Bộ TN&MT, Hội Nông dân Việt Nam tìm giải pháp hạn chế thiệt hại bởi thiên tai lũ ống, lũ quét cho nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc

Đăng ngày: 28-09-2018 | Lượt xem: 881
(TN&MT) - Chiều 28/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị chuyên đề “Giải pháp hạn chế thiệt hại bởi thiên tai lũ ống,...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: Khương Trung

Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành. Các Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Lều Vũ Liều và Lê Tiến Nam cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TN&MT.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, quản lý tài nguyên và môi trường có liên quan trực tiếp đến nông dân, nông thôn; do đó công tác phối hợp giữa Bộ TN&MT và Hội nông dân được triển khai thực hiện từ cách đây 13 năm với nhiều hoạt động phối hợp hiệu quả, thực chất trong xây dựng chính sách, pháp luật nhất là trong các lĩnh vực xây dựng chính sách pháp luật về đất đai, môi trường, tài nguyên nước…
 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh

Các cấp Hội Nông dân đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu; nhiều phong trào, mô hình Nông dân bảo vệ môi trường đã được phát triển, nhân rộng trên địa bàn cả nước; vai trò giám sát trong thực thi cơ chế chính sách, pháp luật TN&MT của nông dân trong công tác ngày càng được phát huy hiệu quả giúp ngành TN&MT nâng cao hiệu quả quản lý.

Theo nghiên cứu, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy trong những năm gần đây, thiên tai có chiều hướng gia tăng về số lượng, tần suất, ngày càng cực đoan, diễn biến khó lường và tính tàn phá cũng ngày càng khốc liệt hơn. Chỉ tính riêng năm 2017 đã có 16 cơn bão lớn nhỏ và 04 áp thấp nhiệt đới, trong đó 06 cơn ảnh hưởng trực tiếp nước ta; từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai với 06 cơn bão, 05 áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét, 12 trận lũ quét, sạt lở đất,..Thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, với quy mô lớn hơn đe doạ đến tính mạng, tài sản, sinh kế cho nhân dân nhất là ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
 

Ô Trần Hồng Thái

Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái trình bày tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh

“Đứng trước những thách thức bởi thiên tai, để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, ổn định đời sống, sản xuất việc làm của nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường với chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao, đã có nhiều hoạt động khẩn trương, kịp thời, chính xác trong dự báo, cảnh báo thiên tai bởi mưa, bão, lũ, lốc xoáy, sạt lở đất; giữ vững các hồ chứa nước thủy điện; cảnh báo sớm trên kênh thông tin đại chúng để nhân dân biết và di dời chỗ ở, kịp thời phòng tránh thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Hoàn thành xây dựng và chuyển giao bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá, bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các địa phương khu vực miền núi phía Bắc; chỉ đạo lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất bảo vệ diện tích đất rừng, bố trí quỹ đất để tái định; hoàn thiện các cơ chế, chính sách để di dời, tái định cư cho nhân dân vùng có nguy cơ sạt lở, sụt lún…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.

Để hội thảo đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các diễn giả tập trung thảo luận tập trung vào các vấn đề như: Một là, thảo luận, đề xuất các giải pháp đồng bộ từ dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thiên tai và rủi ro thiên tai đến xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, bản đồ cảnh báo thiên tai bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất, hạn hán và đề xuất giải pháp chủ động ứng phó trong đó có giải pháp quy hoạch, di dời ngay các điểm dân cư có nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quyét, sạt lở, sụt lún cao.
 

Ô Trịnh Xuân Hòa

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đại chất và khoáng sản Trịnh Xuân Hòa trình bày tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh

Thứ hai, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; nguồn lực để ứng phó, giải quyết với các nguy thiên tai được cơ quan dự báo cảnh báo để đảm bảo sự kịp thời, hiệu quả để đảm bảo an toàn tính mạng của Nhân dân, giảm thiểu các thiệt hại về cơ sở vật chất. Thứ ba, tăng cường công tác truyền thông, tập huấn kỹ năng để nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng chủ động phòng chống thiên tai cho cộng đồng, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi của nông dân.

“Trên cơ sở kết quả Hội thảo ngày hôm nay, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ giải pháp để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo nhất là cảnh báo thiên tai; đề xuất với với Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách nhằm chủ động thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một gia tăng do biến đổi khí hậu nhất là tình hình lũ ống, lũ quét…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Toàn cảnh

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh

Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ thảo luận về các nội dung như: Thực trạng thiên tại tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc năm 2017 - 2018 và công tác cảnh báo thiên tai, phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại trong thời gian tới;

Nghiên cứu, dự báo, phân vùng nguy cơ sạt lở, tai biến địa chất trong phòng chống thiên tai sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; Quy hoạch kế hoạch bố trí quỹ đất phục vụ công tác định canh, định cư cho đồng bào có vùng nguy cơ sạt lở, sụt lún tại các tỉnh miền núi phía Bắc và cơ chế thực hiện…

Hội nghị đang diễn ra, baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhận đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: