Cán bộ Khí tượng nói về đợt không khí lạnh đầu mùa 2018

Đăng ngày: 17-10-2018 | Lượt xem: 1100
(TN&MT) - Từ rạng sáng 17/10, người miền Bắc cảm nhận rõ không khí lạnh tràn về. Đợt này so với đợt vừa trải qua cường độ thế nào? Kéo dài trong bao lâu… là những câu hỏi phóng viên đặt...
Ô Hưởng

Ông Nguyễn Văn Hưởng

PVThưa ông, đợt không khí lạnh vừa tràn về này so với đợt vừa trải qua cường độ thế nào? Kéo dài trong bao lâu? Mưa trong đợt lạnh này thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Đợt Không khí lạnh (KKL) đang tác động đến các tỉnh miền Bắc hiện nay không quá mạnh. Tuy nhiên, đợt KKL này mang lại cảm giác lạnh kéo dài cả ngày.

Nguyên nhân là do khối khí lạnh đang di chuyển về phía Đông, gió Đông Bắc kết hợp với gió Đông từ biển mang hơi ẩm vào, gây ra những cơn mưa nhỏ ở các tỉnh Bắc Bộ và duy trì tình trạng trời nhiều mây suốt cả ngày. Sự mất nhiệt của gió Đông Bắc và độ ẩm cao làm cho chúng ta có cảm giác rét hơn so với thực tế; hơn nữa, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban đêm và ban ngày không đáng kể. Như ở Hà Nội, nhiệt độ không khí lúc 01h sáng nay là 21,7 độ C, 4h sáng là 21,6 độ C, 7h: 20,7 độ C.

Đợt KKL này sẽ duy trì đến ngày 19/10, sau đó KKL sẽ yếu đi và các tỉnh miền Bắc sẽ ấm dần và duy trì trạng thái ấm đến khoảng ngày 23/10.

Gió lạnh

Ảnh Minh họa

PV:Sau đợt gió mùa đông bắc này, đợt KKL tiếp theo được dự báo diễn ra vào khoảng thời gian nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Khoảng từ ngày 23-25/10, sẽ có đợt Không khí lạnh mạnh tác động đến các tỉnh miền Bắc nước ta, tình trạng mưa và lạnh sẽ quay trở lại. Sau đó, khoảng ngày 27-29/10, Bắc Bộ sẽ có thêm một đợt KKL nữa

PV:Nền nhiệt độ trong các tháng mùa đông được dự báo cao hay thấp hơn so với năm trước? Ông có thể cho biết vậy mùa đông năm nay có thể lạnh kỷ lục và có tuyết rơi hay không?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Theo dự báo mùa Đông Xuân năm 2018-2019 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia; nhiệt độ trung bình tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong các tháng 11/2018, tháng 3 và tháng 4 năm 2019 có khả năng cao hơn khoảng 1,0 độ, tháng 12/2018 ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ, tháng 1 và tháng 2 năm 2019 ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5 độ.

PV:Ông chó thể cho biết liệu mùa đông năm nay có thể xảy ra rét kỷ lục và có tuyết hay không?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Đây là một câu trả lời khó có thể giải đáp được ngay vì đối với dự báo mùa, sai số còn khá lớn, nên rất khó khăn để đưa ra các dự báo chi tiết về các hiện tượng cực đoan như nhiệt độ thấp nhất, cao nhất hay mưa tuyết, mưa lớn...

Mức độ tin cậy để có thể chấp nhận được khi dự báo các đợt rét đậm, rét hại nói chung cũng như các đợt nắng nóng… có thể chỉ trong khoảng thời gian trước từ 5 đến 10; do vậy khuyến cáo người dân nên theo dõi sát các bản tin dự báo 10 ngày, dự báo tháng của chúng tôi trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên website: www.nchmf.gov.vn.

PV:Trong các tháng chính của mùa đông năm nay, dự báo có xảy các đợt rét đậm,rét hại dài ngày không thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Trong những năm gần đây tần suất xuất hiện của các đợt rét đậm, rét hại là không đồng đều, cụ thể năm 2013 có 4 đợt rét đậm, rét hại, đến năm 2014 và năm 2015 thì có 5 đợt rét đậm rét hại kéo dài; sang năm 2016 có tổng cộng 06 đợt rét đậm, rét hại và đến năm 2017 thì chỉ có 02 đợt rét đậm, rét hại.

Còn với năm nay theo nhận định của chúng tôi: Đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa Đông năm 2018-2019 có xu hướng xuất hiện trong khoảng nửa cuối tháng 12, tương đương so với trung bình nhiều năm. Nhận định các đợt rét đậm, rét hại trong mùa Đông Xuân 2018-2019 không kéo dài, nhưng vẫn có khả năng sẽ xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 4-7 ngày tập trung trong tháng 1/2019 và nửa đầu tháng 2/2019.

PV:Vậy còn tình Tình hình mưa ở các tỉnh Trung và Nam Bộ ra sao thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Đối với Khu vực Trung Bộ: Tổng lượng mưa từ tháng 11/2018 đến tháng 4/2019 phổ biến ở mức thấp hơn TBNN từ 20-50%; riêng tháng 11 và tháng 12/2018 tại Bắc Trung Bộ ở mức xấp xỉ với TBNN cùng thời kỳ. Cảnh báo khả năng thiếu hụt mưa trong các tháng chính mùa mưa và ít mưa trong những tháng đầu năm 2019, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Tổng lượng mưa thời kỳ từ tháng 11/2018 đến tháng 4/2019 phổ biến ở mức thấp hơn từ 20-50% so với TBNN cùng thời kỳ.Hầu như không mưa trong những tháng đầu năm 2019 tại khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ.

PV:Ông có thể cho biết theo dự báo thì từ nay đến cuối năm còn khoảng bao nhiêu cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Dự báo từ nửa cuối tháng 10 đến hết năm 2018 còn có khả năng xuất hiện khoảng 2-3 cơn bão, ATNĐ và có khoảng 1 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, tập trung ở khu vực Trung Bộ. Những tháng cuối năm 2018 nhiều khả năng hoạt động của bão và ATNĐ trên vùng biển phía Nam Biển Đông không nhiều như năm 2016 và 2017.

Ngoài bão và ATNĐ gây mưa lớn, gió mạnh trên biển và đất liền, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác sẽ có khả năng xảy ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt các hiện tượng dông lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ.

Ngoài ra, trên các khu vực ven biển và các vùng biển khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có thể sẽ xuất hiện gió mạnh do hoạt động của gió mùa Đông Bắc gây ra.

PV: Trân trọng cám ơn ông!

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: