Đó là nhờ vào việc đầu tư công nghệ dự báo tiên tiến, kết hợp với việc thực hiện nghiêm các quy trình trong việc phòng chống thiên tai của các địa phương, đơn vị.
Đầu tư lớn
Ông Trần Trung Thành - Phó GĐ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết: Năm 2018, mùa mưa đến sớm so với quy luật. Riêng trong ba tháng 7 - 8 - 9, lượng mưa toàn khu vực cao so với trung bình nhiều năm. Cao điểm trong tháng 7, lượng mưa phổ biến ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum vượt trên 300% so với cùng kỳ hàng năm. Theo đó, mực nước ở các sông suối, ao hồ cao hơn quy luật, nhiều sông lớn đạt trên 1m; sông, suối nhỏ trên báo động 3. Mực nước một số hồ chứa thủy điện như Plei Krông, Ia Ly đạt xấp xỉ 2m...
Bất thường là vậy, tuy nhiên trong suốt mùa mưa 2018, trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, hầu như không có một thiệt hại lớn nào xảy ra như một số năm trước.
Thực hiện xả lũ đúng quy trình tại Nhà máy Thủy điện Sê San 4
Có được kết quả trên, đó là nhờ công tác dự báo kịp thời và chính xác; nhờ vào việc thực hiện nghiêm công tác vận hành hồ chứa của các đơn vị; việc tuyên truyền kịp thời đến đông đảo người dân. Đặc biệt còn nhờ vào việc đầu tư công nghệ hiện đại của ngành Khí tượng thủy văn.
Ông Nguyễn Văn Huấn- Phó trưởng Phòng Dự báo Khí tượng thủy văn (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) cho biết: Những năm gần đây, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên được Nhà nước tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ như: Nâng cấp hệ thống đo đạc tự động trên toàn khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, Đài còn đang xây dựng công trình Ra-đa thời tiết tại Biển Hồ (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai), toàn bộ thiết bị do Phần Lan cung cấp. Ra-đa này có chức năng thu thập, phân tích ảnh mây, tốc độ gió nhanh và chính xác hơn.
Đảm bảo an toàn hồ đập
Tại Gia Lai, chưa kể đến hàng trăm công trình hồ đập thủy lợi lớn bé, chỉ riêng thủy điện đã có trên 40 công trình, tổng công suất 2.200 MW, sản lượng điện hàng năm đạt 7 tỷ Kwh. Công ty Thủy điện Ia Ly đang quản lý và vận hành 3 nhà máy thủy điện lớn nhất Tây Nguyên, gồm: Thủy điện Ia Ly (720 MW), Thủy điện Sê San 3 (260 MW) và Thủy điện Plei Krông (100 MW). Từ những bản tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên nên ngay từ đầu năm, đơn vị đã xác định: Mùa mưa năm 2018 có sự biến đổi bất thường và liên tục.
Theo đó, để chủ động phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn hồ đập, đơn vị đã triển khai đầy đủ và chặt chẽ các phương án phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn cứu hộ với phương châm "4 tại chỗ".
Ông Đinh Viết Thiện - Phó GĐ Công ty Thủy điện Ia Ly cho biết: Ngay từ đầu mùa mưa, Công ty đã chuẩn bị tất cả các hạng mục phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Bước vào đầu mùa mưa, công tác chuẩn bị đã hoàn tất và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu nhất.
Còn tại Công ty Phát triển Thủy điện Sê San, từ những bản tin dự báo thời tiết, công tác chuẩn bị ứng phó và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai đã được triển khai kịp thời và có hiệu quả.
Đến thời điểm hiện tại, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên có 147 trạm đo mưa tự động, chưa kể các trạm chuyên dùng của các chủ hồ chứa. Theo đó, Đài luôn đảm bảo thông suốt, kịp thời và chính xác thông tin thời tiết diễn ra trên địa bàn, là đầu mối cung cấp thông tin đến các địa phương, các ngành (đặc biệt là ngành Nông nghiệp), các chủ hồ chứa để từ đó, các địa phương và các đơn vị kịp thời triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, chỉ đạo sản xuất, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. |
Ông Phạm Văn Chương - Phó phòng Kỹ thuật của Công ty cho biết: "Để đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa 2018, ngay từ đầu năm, đơn vị đã triển khai đầy đủ và đúng quy trình các phương án phòng chống lụt bão, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn cho bà con vùng hạ du. Thực hiện các phương án đã được phê duyệt của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, căn cứ trên các bản tin được cập nhật từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, đơn vị đã thường xuyên kiểm tra vùng hạ du nhằm tuyên truyền, thông báo cho bà con neo đậu tàu thuyền, kiểm tra vùng đánh bắt cá để đảm bảo an toàn khi có sự cố xảy ra...".
Công ty Phát triển Thủy điện Sê San được giao quản lý và vận hành Nhà máy Thủy điện Sê San 4, công suất thiết kế 360 MW. Thủy điện Sê San 4 có diện tích lưu vực 9.300 km2, dung tích ứng với mực nước dâng bình thường gần 900 triệu m3 nước, dung tích đón lũ 3,7 triệu m3 nước.
Đây là bậc thang thủy điện thứ năm trên tổng số sáu bậc thang thủy điện của sông Sê San. Trong mùa mưa kéo dài và dữ dội của năm 2018, tất cả sáu bậc thang thủy điện có mặt trên "dòng sông năng lượng" mang tên Sê San này đều đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đó là nhờ vào việc đầu tư công nghệ tiên tiến cho công tác dự báo để cho ra những bản tin dự báo thời tiết kịp thời và chính xác; nhờ vào việc nghiêm túc thực hiện, chủ động ứng phó với phương châm "4 tại chỗ" của các địa phương, các đơn vị chủ hồ chứa...
Cùng với các hồ chứa thủy điện, hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn có hơn 110 hồ đập thủy lợi lớn nhỏ. Ngoài những công trình lớn như Thủy lợi Ayun Hạ, Thủy lợi Ia M'lăh..., chủ yếu vẫn là các hồ chứa nhỏ, dung tích dưới 1 triệu m3 nước. Tuy nhiên trong suốt mùa mưa 2018, toàn bộ hệ thống hồ đập này vẫn đứng vững, đảm bảo an toàn cho sản xuất, an toàn cho nhân dân vùng hạ du... |
Nguồn: Nông nghiệp VN