Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cùng các vị chủ trì Hội thảo
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Giám đốc Chương trình FPP-GIZ - ông Dirk Pauschert, đại diện cho Cơ quan Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) và Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, các thành viên Ban soạn thảo và các Bộ, Ngành, Doanh nghiệp có liên quan.
Theo Tổng cục KTTV - Cơ quan chủ trì soạn thảo thông tư, nhằm tăng cường việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về khí tượng thủy văn, để bảo đảm là công cụ tăng cường hiệu lực, hiệu quả vai trò quản lý nhà nước nói chung và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Khí tượng Thủy văn. Ngày 08 tháng 10 năm 2018, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo “Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng”.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu khai mạc Hội thảo
Dưới sự phối hợp của Cục Kinh tế Liên bang Thụy sỹ và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức, thông qua hoạt động của Cơ quan Hợp tác Phát triển GIZ, Tổng cục KTTV đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nghiên cứu tổng thể và xây dựng dự thảo “Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: Theo Chương trình Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực TN&MT năm 2018, Bộ TNMT đã chỉ đạo Tổng cục KTTV triển khai xây dựng dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đối với trạm KTTV chuyên dùng; trình Bộ dự kiến ban hành trong tháng 11/2018.
Giám đốc Chương trình FPP-GIZ - ông Dirk Pauschert, đại diện cho Cơ quan Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) phát biểu tại Hội thảo
Theo Thứ trưởng, thực hiện Luật KTTV năm 2015, Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật KTTV, đến nay đã có khoảng trên 400 chủ công trình (khi xây dựng, khai thác chịu tác động hoặc gây tác động đến điều kiện KTTV mà có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản của cộng đồng - khoản 3 Điều 13 Luật KTTV) phải tổ chức quan trắc KTTV từ ngày 01/7/2018;
Bên cạnh đó cũng có hàng trăm chủ công trình khác của các Bộ, ngành, địa phương đã, đang và sẽ triển khai các hoạt động KTTV chuyên dùng theo nhu cầu, mục đích riêng của mình cũng tự nguyện tổ chức quan trắc... “Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Thông tư nêu trên có ý nghĩa quan trọng, nhằm hướng dẫn kỹ thuật, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân có hoạt động KTTV chuyên dùng” - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo
Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, dự thảo Thông tư được trình bày tại Hội thảo ngày hôm nay gồm những nội dung liên quan đến yêu cầu kỹ thuật về công trình, thiết bị và phương pháp quan trắc KTTV, quy định về truyền nhận dữ liệu của các trạm KTTV chuyên dùng; trong đó quy định cụ thể hơn các hoạt động quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đã nêu tại Nghị định số 38/2016/NĐ-CP.
Về nội dung cần thảo luận, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các chuyên gia chủ động, tích cực đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn, để cơ quan chủ trì soạn thảo có thêm nhiều thông tin, tư liệu nhằm bổ sung, hoàn thành dự thảo văn bản; đảm bảo sao cho Thông tư khi được ban hành có tính khả thi cao, phục vụ thực tiễn cuộc sống, giúp các tổ chức, cá nhân có hoạt động KTTV chuyên dùng đủ điều kiện tổ chức thực thi pháp luật KTTV một cách hiệu quả…
Toàn cảnh Hội thảo
Theo Tổng cục KTTV (Bộ TN&MT), hiện nay cũng đã có hàng trăm chủ các công trình, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có tham gia các hoạt động khí tượng thủy văn chuyên dùng khác. Để cụ thể hóa các nội dung mang tính quy phạm pháp luật về lĩnh vực chuyên ngành nhằm hướng dẫn kỹ thuật, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân có hoạt động khí tượng thủy văn chuyên dùng hoạt động đúng quy định.
Dự thảo “Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng” đã đề xuất các nội dung quan trọng, cần thiết như: Các loại công trình phải quan trắc KTTV chuyên dùng; yêu cầu kỹ thuật đối với quan trắc KTTV chuyên dùng (nội dung quan trắc, vị trí quan trắc, công trình, thiết bị quan trắc; phương pháp quan trắc khí tượng thủy văn; quy định về truyền nhận dữ liệu của các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng, trong đó đã bao gồm các hoạt động quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn quy định tại Nghị định số 38/2016/NĐ-CP…).
Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ nghe và thảo luận các báo cáo kỹ thuật liên quan đến vấn đề xây dựng dự thảo Thông tư như: Những yêu cầu kỹ thuật về công trình, thiết bị và phương pháp quan trắc; hiện trạng thu nhận thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia; vai trò của số liệu quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và phục vụ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ thủy điện, thủy lợi, giao thông, du lịch và phát triển kinh tế xã hội; sự cần thiết của dữ liệu các trạm khí tượng thủy văn trong công tác dự báo lượng nước về hồ thủy điện; vai trò của trạm quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và phục vụ phát triển nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội…
Đây là những yêu cầu cấp thiết cần được quy định cụ thể trong quá trình xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính khả thi để văn bản sớm đi vào cuộc sống sau khi được ban hành.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Đồng thời đây cũng là cơ sở thiết thực mà ngành Tài nguyên và Môi trường cũng như Tổng cục KTTV mong muốn hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động khí tượng thủy văn có đủ điều kiện, tổ chức thực thi pháp luật khí tượng thủy văn một cách hiệu quả trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Các đơn vị cần hoạt động phù hợp với các quy định về KTTV trong nước và trên thế giới góp phần tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, một lĩnh vực đặc thù là cơ sở dữ liệu đầu vào cho các ngành kinh tế trọng điểm và phục vụ đời sống xã hội. Đồng thời góp phần xây dựng, điều chỉnh, triển khai hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành kinh tế, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc KTTV gây ra đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Nguồn: Báo TN&MT