Tổng cục Khí tượng thủy văn họp trực tuyến về bão số 1 - bão PABUK

Đăng ngày: 02-01-2019 | Lượt xem: 885
(TN&MT) - Tối 01/01/2019, Tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn, PGS.TS Trần Hồng Thái - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT đã chủ trì phiên họp trực tuyến...
TS Trần HỒng Thái

PGS.TS Trần Hồng Thái - Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT chủ trì phiên họp trực tuyến về công tác dự báo cơn bão số 1

Tham dự phiên họp có các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV: Nguyễn Văn Tuệ, Lê Hồng Phong, đại diện lãnh đạo Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng các đơn vị dự báo thuộc Tổng cục KTTV ở Trung ương và các Đài KTTV khu vực và Đài tỉnh thành phố khu vực Nam Trung Bộ, Nam Bộ cùng sự tham vấn của các viện nghiên cứu, các đơn vị là thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo ý kiến tại cuộc hội thảo của các chuyên gia dự báo đến 19 giờ ngày 01/01, vị trí tâm bão ở vào khoảng 6,1 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Nam Bộ khoảng 490km về phía Đông Nam, cách Côn Đảo khoảng 420km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới từ 21 đêm nay đến chiều tối ngày mai 2/1, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 19 giờ ngày 02/01, vị trí tâm bão ở 6,1 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 320km về phía Đông Nam, cách Côn Đảo khoảng 280km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. 

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 5,0 độ Vĩ Bắc.

Các ý kiến thảo luận cũng đã thống nhất về khả năng di chuyển của bão trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 19 giờ ngày 03/01, vị trí tâm bão ở khoảng 7,0 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 200km về phía Nam Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. 

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 04/01, vị trí tâm bão ở khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 101,0 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 380km về phía Tây, cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 270km về phía  Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc. 

Quang cảnh

Quang cảnh phiên họp trực tuyến về công tác dự báo cơn bão số 1 tại Tổng cục KTTV tối 01/01/2019

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh mạnh nên vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đều thống nhất về những khả năng ảnh hưởng của bão là: sóng lớn, gió mạnh trên vùng biển và các đảo ở khu vực Nam Trung Bộ (Phú Yên đến Bình Thuận) và Nam Bộ như khu vực Trường Sa, Côn Đảo. Ngoài ra cần chú ý phòng tránh sóng lớn gió mạnh ở các vùng thường ít có sóng lớn như các đảo khu vực Kiên Giang - Cà Mau và các vùng ven biển.

Theo các chuyên gia, bão cũng ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nhưng vấn đề đáng lưu ý là tình hình mưa do hoàn lưu bão có khả năng gây ảnh hưởng mạnh đến sản xuất nông nghiệp và và các vùng cây trồng hàng hóa phục vụ tết của nông dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ do đây là những cơn mưa trái mùa vào dịp sát Tết nguyên đán.

Bên cạnh đó tình trạng mưa lớn cục bộ do hoàn lưu bão và gió mùa đông bắc cũng gây khả năng sạt lở, trượt lở đất đá ở khu vực Trung Bộ từ Quảng Nam đến Bình Thuận và một số khu vực có nguy cơ cao ở một số huyện thuộc tỉnh Kiên Giang, An Giang như khu vực Kiên Lương, Tri Tôn, Bảy Núi. Khả năng dông lốc trước, trong và sau bão ở khu vực Nam Bộ cũng được cảnh báo có khả năng xảy ra trong các ngày 02 và 03/1.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục KTTV các đơn vị dự báo khu vực từ Trung Bộ đến Nam Bộ dù đang bước vào chế độ trực mùa khô nhưng đã chuyển trạng thái trực mùa mưa bão lũ ở các vị trí từ: quan trắc, mạng lưới trạm, thông tin đến dự báo để sẵn sàng đảm bảo máy móc thiết bị và nhân lực theo dõi sát mọi diễn biến của thời tiết đặc biệt là những diễn biến của bão để tư vấn kịp thời cho hệ thống phòng chống thiên tai như các Ban chỉ đạo, chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp để hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo phòng chống và giảm nhẹ thiên tai giúp cho người dân chủ động trước mọi diễn biến khó lường của thời tiết, khí hậu…

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ liên tục cập nhật về hướng đi của Bão số 1 trong các bản tin tiếp theo.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: