Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Đăng ngày: 04-08-2021 | Lượt xem: 2105
Sáng ngày 4/8, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) đã họp trực tuyến về Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Công Thành chỉ đạo cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Công Thành chỉ đạo cuộc họp

Dự thảo Chiến lược phát triển ngành KTTV đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển ngành KTTV đạt trình độ, năng lực tương đương các nước tiên tiến của khu vực châu Á; đến năm 2045, trình độ, năng lực ngành KTTV của Việt Nam tương đương các nước phát triển trên thế giới.

Theo Tổng cục KTTV, dự thảo Chiến lược đưa 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển Ngành KTTV đến năm 2030. Tương ứng để triển khai các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nêu trên, dự thảo Chiến lược đã xác định kèm theo là danh mục 7 chương trình, đề án, dự án không thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Đây là các nội dung mang tầm vấn đề lớn, tổng thể, khi được phê duyệt cho triển khai sẽ góp phần quan trọng giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương và ngành KTTV Việt Nam hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 và hướng tới đạt được các yêu cầu về tầm nhìn đến năm 2045 được xác định trong Chiến lược.

Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng, Tổng cục KTTV, ông Trần Hồng Thái cho biết: trong bối cảnh hiện nay, nhiều vấn đề khách quan và chủ quan tác động đến lĩnh vực KTTV. Đặc biệt, năm 2020, khi kết thúc chiến lược giai đoạn trước, ngành KTTV cần phải xây dựng, triển khai thực hiện theo định hướng, giải pháp phát triển mới, với tầm nhìn dài hạn nhiều năm, đặc biệt là triển khai các nhận định, yêu cầu tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Theo ông Trần Hồng Thái, dự thảo Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030 là phát triển ngành KTTV đạt trình độ, năng lực tương đương các nước tiên tiến của khu vực châu Á; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu KTTV đáp ứng các yêu cầu trong điều hành chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành được thị trường KTTV phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực. Mục tiêu đến năm 2045, trình độ, năng lực ngành KTTV của Việt Nam tương đương các nước phát triển trên thế giới.

Chiến lược cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2030 trong các lĩnh vực cụ thể: Trong quan trắc KTTV, chú trọng phát triển, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc KTTV theo hướng tự động hóa, đồng bộ, tăng dày mật độ trạm, ưu tiên phát triển tại các khu vực thường xuyên xảy ra các hiện tượng thiên tai nguy hiểm so với năm 2020.

Tự động hóa đạt 100% các trạm khí tượng ven biển và hải đảo; tiếp tục đan dầy và hiện đại hóa hệ thống trạm quan trắc radar; đạt 100% quan trắc KTTV theo nhu cầu riêng tại các công trình sân bay, đập, hồ chứa nước, khu vực cảng biển, cầu, tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình, cáp treo, vườn quốc gia, tuyến đường cao tốc, cảng thủy nội địa tổng hợp…Đến năm 2030, hạ tầng CNTT, mạng thông tin chuyên ngành KTTV đạt cấp độ 3-4; ứng dụng được các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào tổng thể các hoạt động KTTV. Bảo đảm 100% số liệu các trạm KTTV quốc gia được thu nhận, kiểm soát, lưu trữ, khai thác theo thời gian thực; 100% số liệu quan trắc KTTV tại các công trình sân bay, đập, hồ chứa nước, khu vực cảng biển, cầu, tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình, cáp treo, vườn quốc gia, tuyến đường cao tốc, cảng thủy nội địa tổng hợp, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa…

Về dự báo, cảnh báo KTTV, Chiến lược đặt ra mục tiêu dự báo đủ độ tin cậy sự hình thành áp thấp nhiệt đới và bão trước 1-2 ngày; quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới trước 3 ngày, quỹ đạo và cường độ bão trước 5 ngày. Dự báo, cảnh báo lũ đủ độ tin cậy cho các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ trước 3 ngày, ở Trung Bộ trước 2 ngày, ở Nam Bộ trước 10 ngày. Tăng chất lượng dự báo định lượng mưa lớn trước 2 - 3 ngày lên 10-15% so với năm 2020 (về phạm vi đạt 75%, tổng lượng đạt 60-70%); cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết trước 6 đến 24 giờ…

Cho ý kiến về nội dung của Chiến lược phát triển ngành KTTV, các chuyên gia và nhà khoa học đều cho rằng, dự thảo Chiến lược có quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng, cụ thể, đề ra lộ trình thực hiện thích hợp. Các nội dung, nhiệm vụ đã đáp ứng được yêu cầu về công tác dự báo, cảnh báo KTTV đến năm 2030. Trong Chiến lược có nhiều điểm mới đáng chú ý như vấn đề phát triển dịch vụ KTTV. Bởi vậy, nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chiến lược sẽ là một bước ngoặt mới cho ngành KTTV.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ, dự thảo Chiến lược cần đưa ra nhiều hơn các con số cụ thể trong chỉ tiêu đến năm 2030 để thuận lợi cho công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện. Đồng thời, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu cụ thể trong dự thảo nhằm phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta; nhấn mạnh thêm vào hoạt động hợp tác quốc tế về KTTV trong khu vực ASEAN.

Để kịp thời hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành KTTV, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Công Thành, yêu cầu Tổng cục KTTV cập nhật thêm thông tin từ Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia” trình Ban Bí thư, đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học; chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Chiến lược nhằm đảm bảo tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược trong tháng 9/2021.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: