Chúc mừng ngày Khí tượng thế giới 23/3

Đăng ngày: 23-03-2020 | Lượt xem: 2277
Kể từ năm 1961 đến ngày Ngày Khí tượng Thế giới được tổ chức hằng năm nhằm ghi nhớ đồng thời để tôn vinh những đóng góp to lớn của ngành khí tượng thủy văn thế giới nói chung và của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam chúng ta nói riêng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân không chỉ tại Việt Nam mà còn của nhân dân các nước trong khu vực; Để chúc mừng Ngày Khí tượng Thế giới, sáng ngày 23/3/2020, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) tổ chức buổi lễ chào mừng Ngày Khí tượng Thế giới tới toàn thể viên chức, công chức, người lao động ngành KTTV.

Đến dự buổi lễ chào mừng Ngày Khí tượng Thế giới có Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, ông Trần Hồng Thái; Phó Tổng cục trưởng, ông Lê Hồng Phong; Viện trưởng Viện KTTV và Biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Văn Thắng; Phó Viện trưởng, bà Huỳnh Thị Lan Hương; Phó Viện trưởng Nguyễn Xuân Hiển; Cùng Toàn thể cán bộ chủ chốt Khối Văn phòng Tổng cục tham dự tại phòng họp 210; Lãnh đạo đơn vị và trưởng các tổ chức trực thuộc đơn vị sự nghiệp có trụ sở tại Hà Nội tại Phòng họp 1201; Toàn thể cán bộ chủ chốt của 9 Đài KTTV khu vực;  Đài KTTV các tỉnh ở các đầu cầu trực tuyến.

Do điều kiện công tác, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Hồng Hà và Lãnh đạo Tổng cục Phòng, chống thiên tai gửi hoa chúc mừng buổi lễ.

Được sự ủy quyền của Thứ trưởng Lê Công Thành, thay mặt cho Đảng ủy và các Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái phát biểu chào mừng Ngày khí tượng thế giới năm 2020.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái chia sẻ niềm vinh dự trước toàn thể các cán bộ trí tuệ, chăm chỉ, nhiệt huyết của ngành khí tượng thủy văn để chào mừng ngày Khí tượng Thế giới năm 2020. Hằng năm, Tổ chức Khí tượng Thế giới sẽ tập trung vào các vấn đề trọng tâm, quan trọng của ngành khí tượng thủy văn với các ngành khác để chọn chủ đề cho Ngày Khí tượng Thế giới. Năm nay – năm 2020, chủ đề “Khí hậu và Nước” cùng thông điệp “Đong đếm từng hạt mưa – Chắt chiu từng giọt nước” được WMO lựa chọn đã thể hiện mối quan hệ không thể tách rời, tác động qua lại giữa khí hậu và nước; vì khí hậu và nước là các vấn đề thời đại, có liên kết mật thiết với nhau và cần phải có những hành động thống nhất, kết nối mới có thể giải quyết được những thách thức liên quan đến khí hậu và nguồn nước cho thế giới.

Thông điệp “Đong đếm từng hạt mưa” thể hiện rõ vấn đề mà Tổ chức Khí tượng thế giới trong năm 2020 quan tâm, định hướng; đó là hoạt động dự báo, quan trắc, đo đạc rất quan trọng để phục vụ cho việc quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cũng như quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.

“Chắt chiu từng giọt nước” cho thấy tài nguyên nước rất quý, rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong bối cảnh toàn thế giới đang phải đối mặt với các tác động bất lợi từ BĐKH, từ nhu cầu sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhu cầu về nước ngày càng cao và nước đang ngày càng thiếu trên thế giới; an ninh tài nguyên nước luôn là vấn đề toàn cầu, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Do vậy, việc thu thập và chia sẻ dữ liệu nước là cơ sở cho các hoạt động giám sát và dự báo khí tượng thủy văn, cũng như các dịch vụ cảnh báo sớm về lũ lụt và hạn hán. Đây là hoạt động vô cùng cần thiết mà ngành khí tượng thủy văn Việt Nam cũng như các cơ quan Khí tượng trên toàn thế giới đã và đang thực hiện.

Tổng cục trưởng nhấn mạnh “Đối với Việt Nam hiện nay, thông tin khí tượng thủy văn cần được xem là thông tin đầu vào phục vụ cho quy hoạch phát triển các khu dân cư, các vùng kinh tế ven biển và thiết thực đối với các ngành kinh tế - xã hội. Ngành Khí tượng Thủy văn đã và đang chủ động về hệ thống quan trắc và thông tin dự báo trong vùng lãnh thổ, lãnh hải; vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển, hải đảo của Việt Nam góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền đất nước. Đây cũng là những đóng góp và khẳng định uy tín của Việt Nam với cộng đồng khí tượng quốc tế”

Ông kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động trong ngành Khí tượng Thủy văn từ ngoài đảo xa xôi, miền núi hẻo lánh, từ Mũi Cà Mau đến Địa đầu Móng Cái tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, tính cần cù, vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục gách vác trọng tránh to lớn của Ngành, đáp ứng niềm tin của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; đáp ứng niềm tin, sự hi vọng và mong chờ của nhân dân.

Cùng với đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Tổng cục đã bám sát những chỉ đạo của Bộ, chính phủ về phòng chống dịch. Ông yêu cầu Tổng cục tiếp tục đẩy mạnh triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động trong ngành Khí tượng Thủy cùng chung tay góp phần đẩy lùi dịch bệch. Tổng cục sẽ tiếp tục việc họp, trao đổi, làm việc qua hình thức online, trực tuyến tại các phòng hạn chế tập chung quá 2 người; Kiểm tra thân nhiệt trước khi vào cơ quan, những trường hợp có biểu hiện bệnh sẽ được báo cáo và thực hiện cách ly. Cán bộ, nhân viên, người lao động nâng cao ý thức bằng việc hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng; Thực hiện đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc, nơi tập trung đông người; Thường xuyên rửa tay xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn đặc biệt trước khi tham dự các cuộc họp; Hạn chế tối đa ra khỏi trụ sở cơ quan trong giờ làm việc; Vệ sinh cơ quan thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh….

Bài và ảnh: Mỹ Linh

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: