Cuộc họp trực tuyến thảo luận về mưa lớn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Đăng ngày: 25-06-2024 | Lượt xem: 913
Chiều ngày 25/6, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã có cuộc họp trực tuyến thảo luận về mưa lớn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với các Đài KTTV khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Tham dự cuộc họp có Ông Lê Công Thành Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV; Viện trưởng Viện Khoa học KTTV và biến đổi khí hậu và các Đài KTTV khu vực ảnh hưởng bởi mưa lớn.

Toàn cảnh cuộc họp

Trình bày nội dung cuộc họp, Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Từ đêm qua và ngày hôm nay (25/6), khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Một số nơi mưa lớn hơn như: Trung Chải (Lào Cai) 158,2mm, Nà Phặc (Bắc Kạn) 107mm, Bình An (Tuyên Quang) 103,4mm, Thị Hoa (Cao Bằng) 113,5mm, Cửa Ông (Quảng Ninh) 191,5mm, Cát Bà (Hải Phòng) 161,4mm…

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia trình bày nội dung báo cáo tại cuộc họp

Nguyên nhân của đợt mưa do tác động của rãnh thấp có trục Tây Bắc - Đông Nam đi qua vùng Bắc Bộ, kết hợp cùng đới gió Đông Nam ẩm phát triển từ mặt đất lên đến độ cao 5.000 mét. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đánh giá, rãnh thấp vẫn còn hoạt động và đới gió Đông Nam ẩm đang có xu hướng lấn về phía Tây.

Trong đêm nay và sáng mai 26/6, các tỉnh miền Bắc vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng mưa tập trung chính ở khu vực Việt Bắc và Đông Bắc, với lượng mưa phổ biến từ khoảng 30 - 70 mm. Khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ là những nơi có khả năng xảy ra cái lượng mưa trên 120 mm.

Theo ông Hưởng, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát tin cảnh báo về đợt mưa lớn diện rộng ở các khu vực Bắc Bộ từ ngày 23/6. Từ đó đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các Đài KTTV khu vực tổ chức các nhóm thảo luận, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Hơn 200 dự báo viên đã trao đổi hàng ngày cũng như cập nhật, chia sẻ thông tin hiện trạng về lũ, lũ quét và khả năng xảy ra trượt lở đất.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ đã đưa ra nhận định về các khu vực có nguy cơ cao. Theo đó, tỉnh Hà Giang đã xảy ra mưa rất lớn và có tình trạng sạt lở, sụt lún đất gây thiệt hại về nhà cửa, công trình, đường giao thông. Một số hồ chứa khu vực miền núi đã vượt mức nước dâng bình thường. Nhiều khu vực độ ẩm đất đã bão hòa và sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào, độ ẩm đất bão hòa. Nguy cơ cao sạt lở, lũ quét ở các khu vực dọc sườn đồi dốc, ven sông suối...

Hiện nay, mực nước các sông ở khu vực Bắc Bộ lên chậm và phổ biến ở mức thấp hơn báo động 1 (BĐ). Thủy điện Tuyên Quang đang mở 2 cửa xả đáy và Thủy điện Hòa Bình đang mở 1 cửa xả đáy. Từ nay đến ngày 27/6, trên các sông sông suối thuộc khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 2-4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ, các sông khu vực thượng lưu sông Thao, sông Lô và sông Chảy có khả năng đạt mức BĐ1 và trên BĐ1.

Dự báo khu vực cửa các sông từ Quảng Ninh đến Ninh Bình sẽ có lũ ở mức BĐ1, một số nơi trên BĐ2 do sự kết hợp mưa lớn, thủy điện xả lũ và triều cường dâng cao. Các Đài địa phương đang theo dõi sát cả 3 yếu tố này để có thể kịp thời thông tin cảnh báo.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu tại cuộc họp

Nhấn mạnh tính chất nguy hiểm của đợt mưa lần này, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, mưa xảy ra chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng. Các hình thế cực đoan tập trung ở vùng núi nên đây cũng là khu vực có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét cao nhất. Mặc dù hiện tại đã qua gần hết đợt mưa nhưng không loại trừ tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Bởi vậy, công tác thông tin liên lạc cần được đảm bảo thông suốt, duy trì đường dây nóng đối với các bên cần cảnh báo nhanh. Khu vực hạ du thủy điện cần đề phòng sạt lở ven sông và thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản.

“Ngày mai, các em học sinh Trung học phổ thông sẽ đến nhận phòng thi. Thời điểm buổi sáng, khu vực Bắc Bộ vẫn có khả năng xảy ra cái mưa lớn, nhất là vùng núi đã có những cảnh báo về nguy cơ xảy ra trượt lở nên phụ huynh và học sinh cũng cần hết sức lưu ý” - ông Cường chia sẻ.

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tổng kết cuộc họp, Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định Tổng cục Khí tượng thủy văn đã bám sát diễn biến mưa lũ và cập nhật thông tin cụ thể. Mặc dù vậy, thông tin lượng mưa chưa đủ để chính quyền địa phương đề cao cảnh giác với sự cố có thể xảy ra. Thứ trưởng đề nghị Tổng cục sớm có giải pháp cải tiến bản tin mưa lũ ngay sau đợt mưa lần này, giúp các địa phương có thể khoanh vùng nguy cơ rõ hơn.

Trước mắt, ngay trong đêm nay và ngày mai, Thứ trưởng đề nghị các đài khu vực và đài tỉnh tiếp tục nắm thông qua hệ thống phòng, chống thiên tai của địa phương; đặc biệt chú ý những điểm xung yếu và có thể nhận định được từ kinh nghiệm, người dân hay cơ quan phòng, tránh thiên tai để tập trung theo dõi, thông tin cảnh báo kịp thời. Các Đài phải giữ liên lạc với đồng chí chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương để kịp thời thông tin khi đối với những trường hợp mưa lũ phát sinh ngoài dự báo.

Thứ trưởng cũng lưu ý các đài cần nắm tình hình các vùng bờ sông và các con đập có nguy cơ cao trước diễn biến mưa lũ phức tạp, không chỉ đợt mưa đang diễn ra mà còn trong mùa mưa bão sắp tới; tình hình lồng bè nuôi thủy sản xuôi từ đập Hòa Bình xuống hạ du. Trong khả năng hiện có, cần cố gắng thông tin cảnh báo để nâng cao tinh thần cảnh giác trong cộng đồng để làm sao tránh được thiệt hại nhiều nhất có thể, đặc biệt là thiệt hại không đáng có về tính mạng của nhân dân.

Toàn cảnh cuộc họp

Tạp chí KTTV

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: