Đẩy mạnh nghiên cứu khai thác tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam

Đăng ngày: 18-10-2022 | Lượt xem: 2094
Sáng ngày 18/10, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã báo cáo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành kết quả xây dựng báo cáo đánh giá tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam và kế hoạch triển khai trong thời gian tới.

Tham dự cuộc họp có Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái, các Phó Tổng cục trưởng Lê Hồng Phong, Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng, Đặng Thanh Mai. Cuộc họp còn có sự tham dự của Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu; Trung tâm Hải văn; các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đã tóm tắt quá trình thực hiện báo cáo: Ngày 27/8/2022, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức họp với Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trung tâm Hải văn (Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam), các đơn vị trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Ngày 31/8/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã ký Quyết định số 250/QĐ-TCKTTV thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác xây dựng nội dung Báo cáo.

Trên cơ sở Báo cáo tiềm năng năng lượng gió và sóng ngoài khơi các vùng biển Việt Nam đã công bố vào tháng 4/2022. Báo cáo tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam lần này đã bổ sung thông tin chi tiết hơn về tiềm năng gió ngoài khơi và cung cấp thêm các thông tin về phân bố tiềm năng gió và bức xạ trên đất liền tại Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Lê Công Thành tại Phiếu trình số 87/Ptr-TCKTTV ngày 19/9/2022 về việc giới thiệu Báo cáo đánh giá tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam đến các bộ, ngành, địa phương để tham khảo, sử dụng, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã phối hợp với các đơn vị thực hiện bổ sung, làm rõ phương pháp, kết quả, độ tin cậy của Báo cáo đánh giá tiềm năng năng lượng bức xạ, gió, sóng tại Việt Nam. Báo cáo đã được giới thiệu đến các bộ, ngành, địa phương tại Công văn số 5754/BTNMT-TCKTTV ngày 29/9/2022 để tham khảo, sử dụng.

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV báo cáo tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường đã trình bày các kết quả chính của báo cáo, phương pháp luận cũng như luận cứ khoa học xây dựng báo cáo. Ông cũng cho biết: Việc tính toán chi tiết bức xạ, gió và sóng tại từng địa phương hoặc từng khu vực cụ thể đòi hỏi cần có nhiều thông tin đầu vào hơn nữa, đặc biệt là các thông tin về số liệu quan trắc gió trên cao và số liệu đặc trưng bề mặt địa hình. Trong thời gian tới, để kết quả tính toán tiềm năng năng lượng gió và bức xạ mặt trời có thể sử dụng hiệu quả hơn nữa cho các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế tại từng khu vực cụ thể, cần thực hiện:

(1) Tận dụng tối đa các nguồn dữ liệu quan trắc, phân tích chi tiết của Việt Nam bao gồm các quan trắc khí tượng mật độ cao, các dữ liệu cập nhật-phân giải cao về lớp thảm phủ thực vật và lớp đất sử dụng (land-use), qua đó phản ảnh tối đa được thông tin bề mặt trong quá trình mô phỏng và xây dựng bản đồ tiềm năng gió phân giải cao cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

(2) Thực hiện khảo sát, quan trắc bổ sung nhất là tại những khu vực có tiềm năng lớn về khai thác năng lượng gió, bức xạ mặt trời nhưng số liệu quan trắc còn hạn chế.

(3) Xây dựng mô hình độ số trị phân giải cao cùng với áp dụng kỹ thuật đồng hóa dữ liệu, cập nhật số liệu mới (địa hình, khí quyển), kiểm chứng và hiệu chỉnh với các nguồn số liệu (quan trắc truyền thống và phi truyền thống), qua đó thực hiện mô phỏng nhiều năm gió và tiềm năng gió, chế độ bức xạ và tiềm năng khai thác năng lượng bức xạ.

 (4) Xây dựng cơ sở dữ liệu số và thành lập các bản đồ số tiềm năng chi tiết cho từng khu vực. Các sản phẩm được công bố, cập nhật trên Trang thông tin điện tử phục vụ các đối tượng có nhu cầu sử dụng.

(5) Xác định tiềm năng tối đa và hữu dụng năng lượng gió, mặt trời chi tiết cho từng khu vực và thời kỳ trong năm.

(6) Đánh giá ảnh hưởng của thiên tai, sử dụng đất (bão, gió mạnh, lốc, sét, sóng, nước biển dâng, dòng chảy nguy hiểm, lũ quét, sạt lở đất và môi trường) đối với các khu vực có tiềm năng khai thác năng lượng gió, mặt trời.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và biểu dương tinh thần làm việc của Tổng cục KTTV và các đơn vị phối hợp. Trong thời gian ngắn đã xây dựng báo cáo tiềm năng năng lượng bức xạ,  gió và sóng tại Việt Nam với các luận cứ khoa học rõ ràng. Ông đề nghị, Tổng cục và các đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu khai thác tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam để biến những tiềm năng này thành tài nguyên. Trong thời gian tới, ông yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, đánh giá các kết quả hiện có về đánh giá tiềm năng năng lượng gió ở Việt Nam. Đồng thời thu thập, xử lý các nguồn dữ liệu quan trắc, phân tích chi tiết của Việt Nam bao gồm các quan trắc khí tượng bề mặt, đo gió trên cao, số liệu vệ tinh, số liệu tái phân tích. Thực hiện mô phỏng, tính toán lại các trường gió bằng mô hình số trị phân giải cao qua đó thực hiện mô phỏng nhiều năm gió và tiềm năng gió.

Toàn cảnh cuộc họp

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: