Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai làm việc với UBND tỉnh Điện Biên

Đăng ngày: 27-05-2022 | Lượt xem: 2636
Ngày 26/5, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai do ông Trần Hồng Thái, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Điện Biên về công tác PCTT trên địa bàn tỉnh.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác về phía UBND tỉnh Điện Biên có ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số Sở, ngành của tỉnh, thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Ông Hoàng Văn Viên, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT báo cáo tại buổi làm việc (Ảnh: Báo TNMT)

Báo cáo tóm tắt công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động PCTT năm 2022 tỉnh Điện Biên, ông Hoàng Văn Viên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía tây bắc tổ quốc, toàn tỉnh địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao và khe suối sâu, độ dốc lớn (có tới trên 80% diện tích tự nhiên có độ dốc trên 25%), thảm phủ thực vật thấp (khoảng 40% diện tích tự nhiên), địa chất đất đá rời rạc không ổn định. Địa tầng nhiều đứt gãy; thời tiết trên địa bàn có sự đan xen giữa phía Tây và Đông - Đông Bắc Bắc Bộ. Lượng mưa bình quân hàng năm lớn từ 1.700 đến 2.200 mm tập trung vào một số tháng mùa mưa, cao điểm từ tháng 6-8; Sông suối có độ dốc lớn khi mưa xuống thoát nước nhanh dẫn đến lũ lớn. Chính vì những yếu tố bất lợi nêu trên, hàng năm tỉnh thường bị các hiện tượng thiên tai như: Mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, mưa đá, rét đậm rét hại… gây thiệt hại lớn đến cơ sở vật chất và tính mạng con người.

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng của nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm, trong đó có 8 đợt thiên tai làm 3 người chết, 2 người bị thương; 306 nhà bị tốc mái, sạt lở; 531 ha lúa, 25,9ha ngô, hoa màu; 1,38 ha thủy sản bị trôi, 200kg cá bị trôi; 624 con gia súc, gia cầm bị chết; 84.235m3 đất đá sạt lở xuống đường, 48.150m2 mặt đường hư hỏng, 19 cống bị tắc hỏng, 1 ngầm tràn bị trôi, 9 điểm trường bị ảnh hưởng, 30m kênh bị hư hỏng, 1 đập dâng bị hư hỏng, 1 cột điện bị gãy đổ...Ước thiệt hại về tài sản khoảng 22.861 tỷ đồng.

Thực hiện Luật Phòng chống thiên tai và các Nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch phòng chống thiên tai tỉnh giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1405/QĐ-UBND; hàng năm trên cơ sở Kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan ban hàng chủ động tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn.

Về kết quả triển khai hoạt động khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai, năm 2021, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa khác là 78,203 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai của các huyện, thị xã, thành phố; nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh hỗ trợ 13,580 tỷ đồng cho 10 huyện, thị xã, thành phố và Sở Giáo dục và đào tạo, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện khắc phục, sửa chữa, kè chống sạt lở đối với 19 công trình. Tính đến ngày 31/12/2021 có 03 huyện hoàn thành công trình đưa vào sử dụng và thực hiện quyết toán kinh phí.

Về công tác bố trí chỗ ở phục vụ di dời tái định cư vùng thiên tai, ông Hoàng Văn Viên cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã triển khai thực hiện 4 dự án Bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 sang giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn chi đầu tư phát triển là 172,285 tỷ đồng, trong đó nguồn Ngân sách trung ương là 157,115 tỷ đồng, vốn Ngân sách địa phương và vốn khác là 15,170 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn giao trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án là 77,871 tỷ đồng; Tổng vốn đã giải ngân giai đoạn 2016-2020 là 73,453 tỷ đồng.

Ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Báo TNMT)

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, Điện Biên là địa phương có nguy cơ cao và thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất. Do đó, tỉnh thường xuyên tổ chức diễn tập công tác PCTT, ít nhất 2 lần/năm tại 2 huyện với sự tham gia của tất cả lực lượng PCTT cơ sở. Vừa qua, dù mới là đầu mùa mưa, nhưng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng. Tỉnh đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan trong tỉnh phối hợp chặt chẽ để kịp thời ứng phó, khắc phục các sự cố thiên tai. công tác PCTT rất được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cũng đã thực hiện việc cắm biển cảnh báo tại các khu vực ven đường giao thông có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

Để chủ động phòng tránh hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Điện Biên đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các Bộ, ngành Trung ương:

Thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực trong công tác phòng, chống thiên tai đối với cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, và đào tạo nghiệp vụ cho lực lượng xung kích cấp xã. Đầu tư thêm mạng lưới, bản đồ, thiết bị dự báo, cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm dễ bị ảnh hưởng, nhằm tăng cường năng lực cảnh báo, phòng ngừa. Xây dựng quy định về cơ cấu tổ chức của cơ quan tham mưu công tác phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách thực hiện đồng bộ theo vùng. Hướng dẫn, ban hành định mức chi tiết đối với các nội dung chi, thanh quyết toán nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh quy định tại Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.

Quan tâm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Điện Biên (khoảng 80 tỷ đồng) để khắc phục thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, suối và di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đầu tư nâng cấp, sửa chữa Văn phòng Ban chỉ huy PCTT các cấp ở địa phương theo văn bản số 41/TWPCTT ngày 27/02/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về việc tăng cường công tác tham mưu, điều hành phòng, chống thiên tai. Quan tâm đầu tư trang bị bổ sung cho tỉnh phương tiện phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn (theo Tờ trình số 1019/TTr-UBND ngày 12/4/2021 của UBND tỉnh Điện Biên), để bảo đảm cơ động lực lượng và một số trang thiết bị bảo đảm cho thông tin liên lạc, trinh sát và chỉ huy trong thực hành ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ông Trần Hồng Thái, Trưởng Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Báo TNMT)

Kết luận buổi làm việc, ông Trần Hồng Thái, Trưởng Đoàn công tác cho rằng, trong thời gian qua, công tác PCTT trên địa tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, các văn bản của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT đã được UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện và triển khai đến các sở, ban, ngành, các cấp ở địa phương để thực hiện Tỉnh đã cơ bản hoàn thành tốt công tác PCTT&TKCN trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, kịp thời hỗ trợ và giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản. Công tác kiện toàn Ban chỉ huy các cấp đã được thực hiện, phương tiện cho hoạt động của Văn phòng thường trực đã được tỉnh chú trọng đầu tư để đảm bảo yêu cầu làm việc. Công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ tại địa phương; xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã đã được thực hiện tốt.

Về một số nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới, Trưởng Đoàn công tác đề nghị tỉnh Điện Biên liên tục rà soát, cập nhật các phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai cho sát với tình hình thực tế. Căn cứ những nội dung chưa thực hiện đầy đủ theo các nội dung quy định tại Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT, tỉnh cần phải có kế hoạch cụ thể để thực hiện hoàn thiện trong thời gian tới. Hiện còn nhiều hộ dân trong tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng, tác động lớn của lũ quét, sạt lở đất, do đó cần phải có các phương án di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn sau khi xảy ra thiên tai cần nhanh chóng thống kê các thiệt hại, tổng hợp báo cáo để có phương án hỗ trợ kịp thời. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn cung cấp các số liệu quan trắc theo quy định.

Đối với kết luận việc kiểm tra thi hành pháp luật khí tượng thủy văn năm 2022 trên địa bàn tỉnh, ông Trần Hồng Thái đề nghị tỉnh Điện Biên chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan sớm nghiên cứu, khắc phục một số tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn đã nêu trên; tiếp tục triển khai, ban hành các văn bản quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 53 Luật Khí tượng thủy văn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đoàn Kiểm tra đề nghị UBND tỉnh Điện Biên cần tăng cường việc đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các đơn vị, tổ chức có công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng; khắc phục các tồn tại, hạn chế, đặc biệt là trong việc giám sát, quản lý các hoạt động quan trắc, cung cấp thông tin dữ liệu của các chủ công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng nhằm đảm bảo có đủ thông tin chính xác, tin cậy, kịp thời để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phòng chống giảm nhẹ thiên tai và vận hành an toàn các công trình, đặc biệt là hệ thống liên hồ chứa.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: