Đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới trong cảnh báo, dự báo thiên tai

Đăng ngày: 22-03-2023 | Lượt xem: 2639
Tiếp nối các hoạt động chào mừng Ngày Khí tượng thế giới 23/3, chiều 22/3 tại Hòa Bình Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức Hội thảo khoa học Dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng, thủy văn phục vụ công tác phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội. Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái chủ trì Hội thảo.

GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cho biết: Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, làm thay đổi nhiều qui luật của tự nhiên, trầm trọng hơn các biểu hiện cực đoan của thời tiết trên phạm vi toàn cầu, trong đó có nước ta với các kỷ lục về KTTV bị phá vỡ hết lần này đến lần khác. Ngành KTTV thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng đứng trước những thách thức không nhỏ trong thời gian tới.

Theo Báo cáo tình hình thiệt hại về thiên tai của WMO, thiên tai gây ra thiệt hại hàng ngày trên thế giới, trung bình trong 50 năm qua, mỗi ngày thiệt hại 202 triệu đô la, làm 115 người chết và mất tích. Đây là các con số minh chứng cho sự tác động lớn của các thiên tai. Trong bối cảnh đó, Hội thảo đã lựa chọn ý tưởng chủ đề có tính thời sự cao, phù hợp với xu thế chung của khoa học KTTV trong nước và quốc tế.

Thời gian qua, ngành KTTV đã có một số kết quả nghiên cứu gắn với công tác quan trắc, dự báo, tiêu biểu là: hệ thống dự báo tổ hợp từ hạn ngắn, hạn vừa đến hạn mùa cho khu vực Việt Nam, các công nghệ dự báo mưa lớn, các công nghệ dự báo lũ, lũ quét, các sản phẩm ứng dụng mô hình dự báo sóng hiện đại; hệ thống dự báo nước dâng trong bão sử dụng mô hình tích hợp hải dương thủy triều, sóng và nước dâng bão. Đặc biệt, trong những năm gần đây đã bắt đầu xuất hiện các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IOT), trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác quan trắc, dự báo cảnh báo thiên tai…

Các kết quả nghiên cứu đã, đang được chuyển giao và ứng dụng hiệu quả trong thực tế, góp phần không nhỏ trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong nghiên cứu, triển khai khoa học và công nghệ trong lĩnh vực KTTV và BĐKH.

Ông mong muốn, các nhà khoa học, các đại biểu tham dự hội thảo sẽ cùng nhau trao đổi cởi mở về các công nghệ, giải pháp tiên tiến đã và đang tập trung nghiên cứu về dự báo cảnh báo KTTV, BĐKH; nêu bật những kết quả đạt được và những khó khăn trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ này…

Ông Nguyễn Thạc Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Nguyễn Thạc Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT), Hội thảo là cơ hội cho các chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình trọng điểm cấp Bộ TNMT.06 rà soát lại các nhiệm vụ, sản phẩm mình đang làm, thẳng thắn chia sẻ về những kết quả đã đạt được, những vấn đề tồn tại, giải pháp tăng cường phối hợp để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu trong chương trình nhằm đạt được mục tiêu ban đầu đề ra.

Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc bộ báo cáo tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về mối quan hệ của dòng xiết cận nhiệt đới đối với một số đợt rét trên khu vực Bắc Bộ; phương pháp dự báo tác động bão, áp thấp nhiệt đới và lũ cho khu vực Trung Bộ; nghiên cứu xác định nguyên nhân gây triều cường cao kèm theo sóng lớn tại ven biển Tây Cà Mau; xây dựng hệ thống tự động giám sát mặt nước theo chuỗi thời gian sử dụng ảnh sentinel; Ứng dụng phương pháp học máy trong dự báo sóng biển tại Việt Nam…

Các đại biểu chụp ảnh tại Hội thảo

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: