Hội nghị “Khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội khu vực Trung Trung Bộ năm 2021”

Đăng ngày: 29-04-2021 | Lượt xem: 5886
Chiều ngày 28/4/2021 tại Thành phố Đà Nẵng, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) tổ chức Hội nghị “Khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội khu vực Trung Trung Bộ năm 2021”.

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đến dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực Trung Trung Bộ, đại diện các Sở, ban ngành; lãnh đạo Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ và Đài KTTV các tỉnh, thành khu vực Trung Trung Bộ,…

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu tại Hội nghị

Nhằm cung cấp những thông tin cơ bản, rộng rãi để các đơn vị quản lý nhà nước về KTTV tại địa phương, cơ quan phòng chống thiên tai của các tỉnh/thành phố, các đơn vị doanh nghiệp trong khu vực cùng nắm bắt để phòng chống thiên tai KTTV; đồng thời phát huy thế mạnh, tiềm năng của khu vực miền Trung và đạt được mục tiêu tiếp tục phát triển miền Trung đi đúng hướng, trở thành một vùng động lực phát triển của cả nước như kỳ vọng của Đảng, Chính phủ và toàn thể nhân dân tại đây. Hội nghị “Khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội khu vực Trung Trung Bộ năm 2021” có sự tham gia đông đảo của các cán bộ quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, các đơn vị nghiên cứu, các đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp trong khu vực Trung Trung Bộ.

Cùng với khu vực Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh với đặc điểm địa lý đặc biệt, mặt tiền là biển Đông và xa hơn là Thái Bình Dương, bên trong đất liền kết nối với lục địa phía Tây. Với vị trí địa lý thuận lợi nên trong những năm gần đây, khu vực Trung Trung Bộ đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp lớn, sự phát triển mạnh mẽ về cảng biển và có lợi thế lớn về phát triển kinh tế du lịch. Vì vậy, thông tin khí tượng thủy văn càng được coi là đầu vào quan trọng cho các ngành tại khu vực này để phát triển bền vững; là nguồn thông tin quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp lập kế hoạch, đưa ra các quyết định và triển khai các hoạt động hằng ngày.

Bên cạnh yếu tố thuận lợi, miền Trung cũng là vùng thường xuyên phải gánh chịu các thảm họa do thiên tai KTTV gây ra. Đặc biệt trong những năm gần đây, với địa hình dốc và ngắn, dưới áp lực phát triển kinh tế thông qua việc xây dựng, phát triển các tuyến đường giao thông mới, cần quỹ đất trống để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển thủy điện; và dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ở đây ngày càng trở lên khốc liệt, dị thường và khó dự đoán.

Đặc biệt trong năm 2020, một năm thiên tai đầy bất thường và cực đoan nhất trong lịch sử ở cả 3 miền đất nước. Trong gần 2 tháng, khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới. Với hiện tượng lũ chồng lũ, bão chồng bão trong thời gian ngắn tại khu vực miền Trung năm 2020 đã xác lập kỷ lục mới về thiên tai bão lũ ở Việt Nam tại một số vùng ở khu vực miền Trung có mực nước lũ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1979, 1999; gây thiệt hại, mất mát lớn, đau thương về người và tài sản của người dân.

Mặc dù thiên tai dồn dập như vậy nhưng sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với ngành KTTV và sự cố gắng của toàn thể cán bộ ngành KTTV nên dù năm 2020 có nhiều thiệt hại, đạt những kỷ lục mới về thiên tai nhưng nếu tính lại những cơn bão trong những năm vừa qua dù có biểu hiện rất lớn nhưng mọi thiệt hại đã giảm đi rất nhiều so với năm 1979 và 1999. Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của các bộ, ngành và địa phương, của Thủ tướng chính phủ và của các cơ quan báo chí thì nếu bão số 9 không cảnh báo trước sớm như vừa qua, thiệt hại theo đánh giá của Chính phủ thì con số không phải vài trăm mà vài chục nghìn người.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Hồng Thái Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, với vai trò và trách nhiệm của ngành KTTV, trong những năm qua, Tổng cục KTTV đã tăng cường, hoàn thiện công nghệ quan trắc KTTV, với 10 radar thời tiết, 1.800 trạm đo mưa tự động tự nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa; Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, tập chung CDH; tích hợp KTTV chuyên dùng vào Quốc gia; Mở rộng hợp tác quốc tế theo chiều sâu để hoàn thiện tiếp thu các công nghệ dự báo bão, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Trở thành Trung tâm hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm cho các nước Đông Nam Á; đã thực hiện cập nhật đồng hóa số liệu địa phương, qua đó tăng cường được chất lượng dự báo mưa định lượng; Thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm, bản đồ cảnh báo dông sét trước 1 đến 6h, bản đồ mưa 5km x 5km.…. Trong thời gian tới, Tổng cục KTTV sẽ tiếp tục tăng cường xã hội hóa mạng lưới trạm quan trắc; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực KTTV và từng bước hình thành, phát triển nền công nghiệp KTTV.

Hội nghị đã được nghe và thảo luận các nội dung chính về công tác KTTV phục vụ PCTT và phát triển kinh tế - xã hội của Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ, hệ thống công nghệ dự báo phục vụ phòng chống thiên tai và vận hành hồ chứa, công tác quản lý nhà nước về KTTV ở địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: