Hội nghị trực tuyến về Công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2021

Đăng ngày: 04-06-2021 | Lượt xem: 2130
Sáng 4/6/2021, tại trụ sở Chính Phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về Công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với các bộ, ngành Trung ương, do lãnh đạo các bộ, ngành - Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ trì; cũng như 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ trì.

Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2020, kết quả đạt được, những vấn đề tồn tại, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Đồng thời, Hội nghị cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác PCTT năm 2021.

Đại diện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia Hội nghị có ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) và các thành viên Tổ giúp việc.

Ngay sau Báo cáo tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2020, những tháng đầu năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Giáo sư - Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đại diện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo tham luận tóm tắt về công tác dự báo, cảnh báo thiên tai năm 2020 với những nỗ lực trong hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ nhân lực cao và những khả năng ứng dụng khoa học trong dự báo, cảnh báo: bão, áp thấp nhiệt đới; mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Trần Hồng Thái cho biết: Tại Việt Nam, năm 2020 là một năm của dịch bệnh và thiên tai cực đoan, nhiều kỷ lục về bão, mưa, lũ, dông, sét kèm mưa đá dịp tết Canh Tý ở Bắc Bộ; thiếu hụt nước và xâm nhập mặn xảy ra sớm, nghiêm trọng và khốc liệt hơn năm hạn mặn kỷ lục 2016 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); bão chồng bão, lũ chồng lũ trong tháng 10 và tháng 11 năm 2020 tại các tỉnh miền Trung; trong đó bão số 9 (Molave) là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây; mưa lớn kéo dài gây ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở miền Trung, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của người dân, nhất là tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Đoàn Kinh tế -Quốc phòng 337 Hướng Hoá (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam).

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục KTTV đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng dự báo quỹ đạo và cường độ bão phục vụ trong công tác nghiệp vụ. Mở rộng hợp tác quốc tế để tranh thủ sự hợp tác về khoa học, công nghệ và nhân lực cao trong bài toán dự báo bão, ATNĐ. Trong mùa mưa bão năm 2020 đã thực hiện cảnh báo bão sớm trước 05 ngày, dự báo, cảnh báo ATNĐ trước 03 ngày; Đã dự báo trước 2-3 ngày các trận mưa lớn diện rộng với độ tin cậy khoảng 75%; thông tin dự báo sớm đã góp phần chủ động trong công tác phòng chống thiên tai trên biển.

Tổng cục Khí tượng thủy văn đã bố trí trực 24/24 và liên tục cập nhật các số liệu vệ tinh, ra đa, định vị sét, số liệu quan trắc truyền thống, số liệu quan trắc tự động mới nhất để đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn định lượng,… Đã dự báo trước 2-3 ngày các trận mưa lớn diện rộng với độ tin cậy khoảng 75%.

Công tác cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất những năm qua đã có nhiều cải tiến. Các đợt lũ lớn có thể cảnh báo trước 24-48 giờ. Các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất được cung cấp 6h/lần và cập nhập liên tục các bản tin nhanh khi xuất hiện mưa lớn, gây nguy cơ lũ quét sạt lở đất.

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV báo cáo tại Hội nghị

Ảnh: Văn Ngân (VOV)

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các chuyên gia, năm 2021 được dự báo là năm thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường và có chiều hướng cực đoan hơn. Mùa mưa bão năm nay dự báo sẽ đến sớm, đầu mùa từ tháng 6-8 tập trung tại khu vực phía Bắc và giữa biển Đông, khu Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng. Từ tháng 9 bão sẽ hoạt động nhiều hơn khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ kéo dài xuống phía Nam. Trong những năm chuyển pha từ Lanina sang trung tính cần đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trong năm 2021.

Trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 ở Bắc Bộ ( từ 28/5-03/6/2021) và các tỉnh Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Phú Yên) đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng; với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 37-39 độ, một số nơi có nhiệt độ lớn hơn như Lạc Sơn (Hòa Bình) 40,5 độ; Chí Linh (Hải Dương) 41,0 độ, Hà Nội 40,5 độ; Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 40,9 độ. Đây là một trong những đợt nắng nóng gay gắt của năm 2021.

Khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 6/2021 ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ còn có khả năng xuất hiện 2-3 đợt nắng nóng diện rộng. Dự báo mùa nóng ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung sẽ còn kéo dài đến hết tháng 8; trong đó nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ tập trung trong tháng 6-7, miền Trung là tháng 6-7 và đầu tháng 8; tuy nhiên cường độ nắng nóng của năm 2021 ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ không gay gắt và kéo dài như trong năm 2020. Tuy nhiên, vẫn có khả năng sẽ xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt mức xấp xỉ 41-42 độ C.

Mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ đã đến sớm và có khả năng kết thúc tương đương so với TBNN. Trong 6 tháng cuối năm 2021 lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt mưa nhiều hơn so với TBNN ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào tháng 7 đến tháng 9/2021 và tháng 10 đến tháng 12/2021 ở Trung và Nam Trung Bộ. Mưa lớn có khả năng tập trung trong các tháng 10 và 11/2021 ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

Mùa khô năm 2020-2021, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục KTTV tham dự Hội nghị

Ảnh: Văn Ngân (VOV)

Toàn cảnh Hội nghị

Ảnh: Văn Ngân (VOV)

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: