Khai mạc các cuộc họp của Tổ chức Khí tượng thế giới tại Hà Nội

Đăng ngày: 22-11-2017 | Lượt xem: 1041
Được sự đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sáng ngày 20/11/2017, Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia đăng cai các cuộc họp của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) từ ngày 20...

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) là một Cơ quan chuyên ngành thuộc Liên Hợp quốc (UN) và là tiếng nói chính thức của UN về trạng thái khí quyển trái đất, sự tương tác của khí quyển với đại dương, khí hậu, phân bổ nguồn nước. Tiền thân của WMO là Tổ chức Khí tượng quốc tế (IMO) được thành lập vào năm 1873. WMO cung cấp cho lãnh đạo các nước trên thế giới tầm nhìn về những vấn đề chuyên môn và hợp tác quốc tế về thời tiết, khí hậu, thủy văn, tài nguyên nước và các vấn đề liên quan đến môi trường, góp phần vào sự an toàn và phúc lợi cho người dân trên toàn thế giới, vì lợi ích kinh tế của tất cả các quốc gia.

Nhiệm vụ của WMO: Tạo điều kiện cho sự hợp tác trên toàn thế giới trong việc thiết lập mạng lưới trạm quan trắc khí tượng cũng như quan trắc thủy văn, vật lý địa cầu liên quan đến khí tượng và thúc đẩy việc thành lập, duy trì các trung tâm chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ khí tượng liên quan; Thúc đẩy việc thành lập và duy trì hệ thống trao đổi thông tin khí tượng và các tin liên quan khác; Thúc đẩy việc chuẩn hóa quan trắc khí tượng và các quan trắc liên quan khác để đảm bảo số liệu quan trắc và thống kê đồng bộ; Tiếp tục ứng dụng khí tượng trong hàng không, vận tải biển, quản lý tài nguyên nước, nông nghiệp và các hoạt động khác của con người; Đẩy mạnh hoạt động trong tác nghiệp thủy văn và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan KTTV quốc gia; Khuyến khích nghiên cứu, đào tạo về khí tượng; hỗ trợ điều phối trên khía cạnh quốc tế công tác nghiên cứu và đào tạo.

Phó Tổng giám đốc Trần Hồng Thái phát biểu khai mạc cuộc họp

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Trần Hồng Thái cho biết: Là một thành viên của Tổ chức Khí tượng Thế giới từ năm 1975, Việt Nam được vinh dự tham gia với tư cách là một Trung tâm Hỗ trợ Dự báo Khu vực thuộc Dự án dự báo thời tiết khắc nghiệt (SWFDP) của WMO từ năm 2011. SWFDP ở Đông Nam Á đã bước vào giai đoạn 3 của dự án từ năm 2016 và đã sẵn sàng cho các bước tiếp theo của dự án.

Theo Phó Tổng giám đốc Trần Hồng Thái, lũ quét là một trong những thiên tai nghiêm trọng nhất của thế giới với hơn 5000 người chết mỗi năm, gây tác động lớn tới kinh tế - xã hội, môi trường. Lũ quét chiếm tới 85% tổng các trận lũ, trên sông và ven biển. Do đó, cuộc họp lập kế hoạch khởi xướng hệ thống cảnh báo lũ quét ở khu vực Đông Nam Á là rất quan trọng, Ông hi vọng Dự án sẽ thu được những kết quả và kế hoạch khả quan sau cuộc họp này.

Cuộc họp diễn ra trong 3 ngày từ ngày 20 đến 23 tháng 11 gồm các nội dung:

(1)  Cuộc họp Nhóm Quản lý Tiểu dự án (RSMT) thuộc Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP), từ 20 - 22/11/2017. Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác với WMO, Việt Nam tham gia vào SWFDP với tư cách là Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực và Trung tâm KTTV quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao là đầu mối trong hoạt động trên. Nội dung Cuộc họp lần này dự kiến sẽ đánh giá quá trình thực hiện Dự án SWFDP đến nay và trao đổi về khả năng đưa Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực WMO sang pha tác nghiệp chính thức (operation phase), xây dựng các hoạt động trong thời gian tới.

(2) Cuộc họp lập kế hoạch ban đầu của Hệ thống chỉ dẫn cảnh báo lũ quét cho khu vực Đông Nam Á (SEAFFGS), từ 20 - 22/11/2017, sẽ chia sẻ hiện trạng cơ sở hạ tầng cảnh báo, dự báo lũ quét của các Cơ quan KTTV tham dự, WMO; Trao đổi về phương pháp tiếp cận công tác dự báo lũ quét trong khu vực, nhu cầu số liệu cho SEAFFGS; thảo luận về vai trò trách nhiệm của các nước tham gia, các bên liên quan tham gia SEAFFGS. Đồng thời, tìm hiểu về Hệ thống chỉ dẫn cảnh báo lũ quét do Ủy ban sông Mê Công xây dựng.

Ngoài ra, trong chuỗi sự kiện lần này còn diễn ra Cuộc họp hỗn hợp giữa SWFDP và SEAFFGS vào sáng ngày 23/11/2017, đề cập đến các hoạt động chung giữa SEA-SWFDP và SEAFFGS, tăng cường tính phối hợp và liên kết hiệu quả hướng đến tăng cường năng lực, nhu cầu xử lý mô hình phân giải dự báo số và ước tính định lượng mưa.

Cuộc họp lần thứ nhất của Ban điều hành MHEWS (SEA-SC), chiều ngày 23/11/201, sẽ giới thiệu tổng quan về Chương trình “Xây dựng khả năng thích ứng các hiện tượng khí tượng thủy văn có tác động mạnh thông qua việc xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai cho các khu vực Đông Nam Á và các quốc đảo nhỏ đang phát triển”; Cuộc họp còn thảo luận về dự thảo khung tham chiếu chức năng của Ban điều hành chương trình khu vực Đông Nam Á và xây dựng kế hoạch hoạt động của MHEWS 2017-2018 và 2018-2019.

Một số hình ảnh ghi lại tại cuộc họp:

Ông Abdoulaye Harou, Đại diện của Tổ chức Khí tượng Thế giới phát biểu tại cuộc họp

Ông Paul Joseph Pilon, Đại diện của Tổ chức Khí tượng Thế giới trình bày báo cáo tại cuộc họp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: