Khí tượng Thủy văn Việt Nam 77 năm trưởng thành và phát triển

Đăng ngày: 02-10-2022 | Lượt xem: 2817
Với truyền thống 77 năm xây dựng và trưởng thành, Ngành KTTV Việt Nam đã đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, không ngừng nỗ lực vươn lên, phục vụ ngày càng tốt hơn, có hiệu quả hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là tiền đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phục vụ KTTV

Kể từ khi thành lập Tổng cục KTTV (cơ quan trực thuộc Chính phủ) vào năm 1976, Ngành KTTV đã chú trọng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý hoạt động của Ngành. Tuy nhiên, chỉ sau khi Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình KTTV được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 02 tháng 12 năm 1994, Chủ tịch nước công bố ngày 10 tháng 12 năm 1994, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Ngành KTTV mới được xây dựng và ban hành tương đối đồng bộ, hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động KTTV ngày càng phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc) trao Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai cho Tổng cục KTTV Việt Nam năm 2020

Cho đến nay, Ngành KTTV đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ thị số 10-CT/TW  ngày 25/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV (cơ quan trực thuộc Chính phủ) và các Bộ, ngành khác ban hành 165 văn bản quy phạm pháp luật và 25 văn bản có các nội dung liên quan đến quy phạm pháp luật về lĩnh vực KTTV. Các văn bản pháp luật về KTTV đang từng bước thể hiện được vai trò pháp lý, phạm vi điều chỉnh và tính khả thi của mình trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 2010 - 2022, hệ thống văn bản pháp luật về KTTV đã được chú ý xây dựng điều chỉnh đến tất cả các lĩnh vực như điều tra cơ bản, dự báo phục vụ cộng đồng, thông tin lưu trữ tư liệu, giám sát biến đổi khí hậu, hợp tác quốc tế… với tổng số 58 văn bản quy phạm pháp luật về KTTV được các cấp có thẩm quyền ban hành.

Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KTTV ngày càng được hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi để Ngành tăng cường quản lý nhà nước về KTTV cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phục vụ KTTV, đặc biệt với việc lần đầu tiên Ngành có Luật KTTV đã tạo điều kiện pháp lý để ngành có đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ; Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... là cơ sở, tiền đề, định hướng quan trọng trong kế hoạch phát triển, hiện đại hóa ngành KTTV trong những năm tới.

Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo

Trong chặng đường 77 năm qua, công tác KTTV đã có nhiều bước phát triển mang tính quyết định, theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hệ thống cảnh báo, dự báo KTTV

Với việc ứng dụng hệ thống mô hình dự báo thời tiết số trị, các đơn vị dự báo nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục KTTV đã tiến hành dự báo tới các địa điểm cụ thể như thị trấn, thị xã, thành phố, với khoảng 600 điểm; phát hành bản tin dự báo KTTV đa dạng hơn, thông tin dự báo chi tiết hơn và từng bước nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, không khí lạnh, đồng thời tăng cường các bản tin dự báo KTTV biển, đặc biệt là thời tiết biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế biển.

Các ứng dụng công nghệ mới trong dự báo KTTV đã góp phần nâng thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới từ 24 giờ lên 36 giờ; đối với nhiều cơn bão có quỹ đạo ổn định đã dự báo trước từ 60 - 72 giờ, cảnh báo trước 48 - 72h các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại. Tiêu biểu là đã dự báo khá chính xác cơn bão số 6 năm 2006 (Xangsane) đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng, cơn bão số 9 (Ketsana) năm 2009 đổ bộ vào Quảng Nam - Quảng Ngãi, cơn bão số 8 (Sơn Tinh) năm 2012 đổ bộ vào Thái Bình, cơn bão số 14 (HaiYan) năm 2013 đổ bộ vào Quảng Ninh, cơn bão số 2 (Rammasun) năm 2014 đổ bộ vào Quảng Ninh ... Đó là những cơn bão mạnh nhất trong vòng 15 năm trở lại đây (có 2 cơn bão ở mức siêu bão) có những diễn biến hết sức phức tạp cả về đường đi và cường độ, nhờ dự báo đúng thời gian và nơi bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng đã góp phần làm giảm tới mức thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.

Thông tin KTTV có tầm ảnh hưởng tới 11/17 mục tiêu phát triển bền vững, là cơ sở dữ liệu “đầu vào” của hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, nhất là đối với công tác phòng chống thiên tai khi giữ vai trò tối quan trọng ở cả 3 giai đoạn là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong mọi thời kỳ, thông tin KTTV luôn được coi là một trong các yếu tố “thiên thời”, mang tính quyết định góp phần vào các thắng lợi quân sự quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Trong giai đoạn 2010 - 2022, đã theo dõi và dự báo sát, kịp thời 305 đợt không khí lạnh; 57 áp thấp nhiệt đới; 104 cơn bão; 150 trận lũ; 194 đợt nắng nóng; 270 đợt mưa lớn diện rộng. Đặc biệt năm 2018 công tác dự báo hiệu quả đã góp phần giảm được khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017 tương ứng với 40.000 tỷ đồng (nguồn từ Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn);

Năm 2019, thiệt hại do thiên tai gây ra đã được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Năm 2021 nhờ công tác dự báo sớm, kịp thời của Ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, các cơ quan Trung ương và địa phương đã có hành động quyết liệt, hiệu quả từ sớm nên đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại, cụ thể: thiệt hại về người giảm 54%, thiệt hại về tài sản giảm 78% so với trung bình 10 năm vừa qua.

Năm 2022, tại cuộc họp đánh giá tình hình khắc phục thiệt hại do bão số 4 Noru (một trong những con bão mạnh nhất trong những năm qua), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ quan khí tượng, thủy văn trong công tác phòng chống cơn bão số 4. Nhờ đó góp phần giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân và Nhà nước.

Quan trắc viên KTTV khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ

Qua mỗi một thời kỳ, tuy có những khó khăn, gian khổ khác nhau, song với tinh thần quyết tâm phục vụ, phấn đấu, ngành KTTV Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích với những dấu mốc quan trọng. “Trung bình hằng năm, các đơn vị thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia ở Trung ương và địa phương đã cung cấp trên 58.600 bản tin dự báo, cảnh báo KTTV cho các cơ quan ở Trung ương, địa phương, phục vụ đắc lực cho công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Khẳng định vai trò, vị thế của ngành KTTV Việt Nam trên trường quốc tế

Việt Nam có quan hệ với nhiều tổ chức, các nước trên thế giới và khu vực trong lĩnh vực KTTV. Những năm qua, hợp tác quốc tế của ngành KTTV không ngừng được mở rộng, góp phần đáng kể cho việc tăng cường về kỹ thuật, tài chính, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.

Tổng cục KTTV Việt Nam và Tổ chức Khí tượng thế giới WMO ký biên bản hợp tác

Năm 2018, Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công khóa họp lần thứ 50 của Ủy ban Bão. Trong năm 2017 và 2018, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Bão năm 2017 và Chủ tịch Ủy ban Bão năm 2018. Năm 2019, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, Đại diện thường trực của Việt Nam tại WMO đã được các nước tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội khí tượng khu vực II Châu Á (RA-II) và tại Khóa họp lần thứ 17 của RA-II, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái tiếp tục nhận được sự tín nhiệm cao của 35 nước trong khu vực và bầu tái cử vị trí Phó Chủ tịch RA-II trong giai đoạn 2021-2025, điều này đã khẳng định vị thế của ngành KTTV Việt Nam đã được WMO và các bạn bè quốc tế trong khu vực Châu Á ghi nhận cho những đóng góp trên trường quốc tế.

Tháng 8 năm 2022, WMO và Tổng cục KTTV Việt Nam chính thức ký biên bản hợp tác và giao Việt Nam làm Trung tâm Dự báo lũ quét khu vực Đông Nam Á.Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò đầu mối trong chương trình dự báo thời tiết nguy hiểm, cảnh báo lũ quét cho khu vực Đông Nam Á. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành KTTV Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: