Nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn nguy hiểm trên biển

Đăng ngày: 11-03-2022 | Lượt xem: 2337
Tăng cường mức độ chi tiết, tin cậy, nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn nguy hiểm trên biển

Chiều ngày 11/3/2022, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến rà soát, đánh giá công tác dự báo điều kiện KTTV nguy hiểm trên biển, từ đó nâng cao chất lượng nghiệp vụ dự báo biển, giao nhiệm vụ thực hiện trọng tâm cho các đơn vị liên quan. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Hoàng Đức Cường tham dự và chủ trì cuộc họp.

Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các đơn vị: Vụ Quản lý dự báo KTTV; Vụ Quản lý mạng lưới KTTV; Văn phòng Tổng cục KTTV; đại diện lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo; Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia; các Đài KTTV khu vực Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và các Đài KTTV tỉnh có biển.

Tại công văn số 1439/VPCP-CN ngày 07/3/2022 của chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định các cảng, bến phục vụ tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo phải quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn và hệ thống dự báo khí tượng thủy văn từ trung ương đến địa phương tăng tần suất bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển; tăng cường dự báo và cảnh báo chuyên đề phục vụ hoạt động giao thông vận tải tại các địa phương có hoạt động vận tải hành khách từ bờ ra đảo và hướng dẫn việc sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên phạm vi cả nước.

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường phát biểu và chỉ đạo cuộc họp

Nằm trong hệ thống mạng lưới khí tượng thủy văn, mạng lưới các trạm khí tượng thủy văn đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập số liệu khí tượng thủy văn biển phục vụ cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công tác phục vụ nghiên cứu đánh giá mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu, bảo đảm chủ quyền lãnh hải và an ninh quốc phòng trên biển. Số liệu khí tượng hải văn là cơ sở để xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế biển và các vùng ven biển; dự án, cảnh báo thiên tai và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, phục vụ đắc lực cho việc phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc từ biển gây ra. Hiện nay, hệ thống mạng lưới quan trắc Hải văn do Tổng cục KTTV quản lý gồm 20 trạm hải văn truyền thống trong đó có 14 trạm hạng I; 05 trạm hạng II và trạm Hoàng Sa. Trong đó: 08 trạm ven biển; 11 trạm trên đảo; 14 trạm có quan trắc tự động. Trạm hải văn tự động độc lập gồm 07 trạm, trong đó có 01 trạm ven biển; 01 trạm trên đảo và 05 trạm trên các nhà giàn DKI.

Hiện nay, các quy trình, quy định liên quan đến dự báo, cảnh báo biển trong điều kiện nguy hiểm và điều kiện thường đã tuân thủ theo quy định tại Điều 7 đến Điều 9; Điều 12, Điều 13; Điều 20 đến Điều 22 của Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai. Xây dựng cụ thể quy trình, quy định đưa ra bản tin gồm: Điều kiện ban hành; Nội dung bản tin; Tần suất ban hành và Phân cấp trách nhiệm đối với các đơn vị có liên quan.

Việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định về dự báo, cảnh báo biển của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và 06 Đài Khí tượng Thủy văn khu vực có biển cơ bản đã thực hiện đúng, đầy đủ về nội dung bản tin, tần suất và thời gian ban hành nhất là đối với các bản tin dự báo, cảnh báo trong điều kiện nguy hiểm. Các Đài Khí tượng Thủy văn có biển đã chủ động gửi bản tin đến Đài Phát thanh, truyền hình, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, ứng phó khi có thiên tai, sự cố trên biển.

Cuộc họp tập trung thảo luận vào 03 nội dung chính: Bổ sung tăng tần xuất bản tin dự báo biển; Bổ sung bản tin dự báo chuyên đề theo nhu cầu của từng đối tượng sử dụng; Xây dựng cách thức, hình thức hướng dẫn sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai cho các đối tượng khác nhau.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường cho rằng hiện nay hệ thống dự báo đã đảm bảo ban hành bản tin theo quy định, trong thời gian tới các đơn vị cần bám sát nội dung được giao theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo Tổng cục KTTV. Vụ Quản lý dự báo trong thời gian sớm nhất thực hiện ra quy định tăng cường bổ sung bản tin vào lúc 10h đối với các Đài KTTV khu vực có biển; Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cung cấp thông tin về các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm tăng cường mức độ chi tiết và tin cậy trong công tác dự báo KTTV nguy hiểm trên biển; Các Đài KTTV khu vực có biển chủ động làm việc với các đơn vị tại địa phương có hoạt động kinh tế trên biển, tìm hiểu nhu cầu sử dụng thông tin từ đó xây dựng nội dung cung cấp thông tin dự báo phù hợp. Trong quá trình thực hiện thường xuyên báo cáo Tổng cục và Vụ Quản lý dự báo hỗ trợ; Vụ Quản lý dự báo hướng dẫn sử dụng thông tin bản tin cảnh báo thiên tai trên phạm vị cả nước, thường xuyên cử cán bộ tham gia các hội nghị, hội thảo để lồng ghép tuyên truyền về công tác dự báo KTTV; Vụ Quản lý dự báo, Văn phòng Tổng cục, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và Tạp chí KTTV xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn cơ bản để làm tài liệu cho các địa phương tham khảo, lựa chọn các loại bản tin nhiều người sử dụng, dễ hiểu nhầm, chưa nắm rõ kiến thức, hướng dẫn sử dụng cho các đối tượng khác nhau trong thời gian tới.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: