Ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường

Đăng ngày: 28-07-2022 | Lượt xem: 3204
Trong khuôn khổ Hội nghị các Nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường. Câu lạc bộ được thành lập với mong muốn xây dựng môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học trẻ trong và ngoài ngành tài nguyên và môi trường vì sự phát triển bền vững.

Ban điều hành lâm thời Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ Ngành TN&MT gồm 10 thành viên với PGS. TS. Phạm Minh Hải, Viện Khoa học Đo đạc bản đồ (Chủ tịch lâm thời CLB) và TS. Đoàn Quang Trí, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Phó chủ tịch) và TS. Huỳnh Thiên Tài, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM (Phó chủ tịch).

Ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường

Phát biểu tại Lễ ra mắt, GS. TS. Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV tin rằng câu lạc bộ sẽ là ngôi nhà cho các nhà khoa học trẻ ngành TN&MT có thể cùng nhau chia sẻ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong công tác nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Câu lạc bộ cũng sẽ là nơi ươm mầm cho những nhà khoa học trẻ tài năng, tâm huyết nghiên cứu tạo ra những sản phẩm có khả năng ứng dụng cao cho ngành Tài nguyên và môi trường nói riêng và các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội nói chung.

GS. TS. Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu tại buổi Lễ ra mắt

Câu lạc bộ ra đời là là một sự thành công, ghi nhận sự nỗ lực lớn lao của các đồng chí, tuy nhiên, để câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, đòi hỏi sự nỗ lực gấp bội và cần phải có sự kế thừa học hỏi từ những thế hệ trước. Nhân dịp ngày hôm nay, ông chia sẻ một số các định hướng trọng tâm để câu lạc bộ của chúng ta có thể hoạt động hiệu quả như sau:

Thứ nhất, trong thời gian tới, Ban điều hành lầm thời CLB  cần thể hiện rõ sứ mệnh là bộ phận gắn kết và điều tiết các hoạt động khoa học của CLB tạo ra sân chơi khoa học rộng lớn, tổ chức hoạt động thiết thực bám sát các nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị nghiên cứu, nhiệm chính trị của Bộ TNMT. Làm phong phú, sâu sắc hơn các nội dung hoạt động, tạo sự lan toả rộng hơn nữa của CLB tới lực lượng các cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ, các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên từ các trường đại học trong và ngoài Bộ liên quan đến Tài Nguyên và Môi Trường.

Thứ hai, Câu lạc bộ Nhà khoa học trẻ ngành TN&MT cần đề ra quy chế hoạt động thường xuyên, tích cực. Các bạn có thể tổ chức theo các nhóm khoa học chuyên ngành, hình thành cơ chế phối hợp cụ thể liên ngành. Đồng thời, Câu lạc bộ này hoạt động theo mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Thứ ba, Câu lạc bộ nên hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh phù hợp với xu hướng của Bộ TNMT đang làm, đồng thời đẩy mạnh sự hợp tác, liên kết giữa những nhà khoa học có chuyên môn khác nhau trong và ngoài ngành.

Thứ tư, khuyến khích và tạo môi trường thúc đẩy việc công bố công trình khoa học trên các tạp chí có uy tín trên thế giới, tham gia các hội nghị có uy tín nhằm chia sẻ và học hỏi các thành tựu về khoa học công nghệ với các quốc gia trên thế giới.

PGS. TS. Phạm Minh Hải, Viện Khoa học Đo đạc bản đồ (Chủ tịch lâm thời CLB) phát biểu tại Lễ ra mắt

Lễ ra mắt Câu lạc bộ Nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường nằm trong chuỗi hoạt động thiết thực hướng đến chào mừng Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (05/8/2002 - 05/8/2022). Đây là một cột mốc đáng ghi nhận của ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung và các nhà khoa học trẻ của ngành nói riêng.

Các đại biểu tại Hội nghị

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: