Tăng cường các dịch vụ khí tượng thủy văn

Đăng ngày: 04-10-2019 | Lượt xem: 1581
Sáng ngày 3/10/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã báo cáo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành về định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển 05 năm tới của Tổng cục.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo Tổng cục KTTV: Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái, các Phó Tổng cục trưởng: Lê Hồng Phong, Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng; thủ trưởng các Vụ: Quản lý dự báo KTTV, Quản lý mạng lưới KTTV, Kế hoạch -Tài chính, Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổ chức Cán bộ và Văn phòng Tổng cục; thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV, Trung tâm Quan trắc KTTV, Đài Khí tượng cao không, Ban Quản lý các Dự án KTTV, Trung tâm Ứng dụng công nghệ KTTV, Liên đoàn Khảo sát KTTV, Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cùng các chuyên gia.

Báo cáo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cho biết: Trong 5 năm vừa qua ngành KTTV đã được đầu tư về cơ bản tương đối bài bản, tuy nhiên chưa có định hướng cụ thể xác định, xây dựng mô hình cho Việt Nam, chưa sử dụng hết công năng của các đầu tư cũng như các dự án đầu tư chưa có quy định cụ thể, định mức về duy tu, bảo trì các thiết bị này. Nhìn nhận những thực tế hiện nay của Tổng cục, ông đã chỉ ra những hạn chế của Tổng cục đó là sự chưa đồng bộ trong đầu tư, sự phối hợp đồng bộ giữa hệ thống quan trắc, thông tin dữ liệu và dự báo chưa chặt chẽ, nhuần nhuyễn, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa có quy trình, quy phạm rõ ràng. Mô hình tổ chức hiện nay cũng còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái báo cáo tại cuộc họp

Từ những hiện trạng, hạn chế đó, Tổng cục trưởng đã quán triệt một số quan điểm về định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển 05 năm tới của Tổng cục : Thứ nhất là chỉ ra rõ vị trí, vai trò của Việt Nam trong 5 năm tới từ việc nghiên cứu kỹ chiến lược phát triển ngành, trao đổi ý kiến với các chuyên gia trong và ngoài nước, tìm hiểu các mô hình tổ chức của Nhật Bản, Hàn Quốc để học hỏi cho Việt Nam cụ thể là đối với dự báo cần xây dựng được một mô hình số trị khu vực cho Việt Nam và đồng hóa số liệu. Để thực hiện nhiệm vụ đó thì cần có sự đồng bộ đầu tư giữa các đơn vị trong Tổng cục KTTV từ quan trắc, thông tin dữ liệu, dự báo. Thứ hai là quan điểm về mô hình tổ chức của Tổng cục: Tổng cục sẽ xây dựng lộ trình để tăng cường vị trí, vai trò của các Đài tỉnh cũng như giảm các đầu mối trung gian. Thứ ba là đẩy mạnh đầu tư phục vụ, dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm KTTV. Tổng cục sẽ đưa ra định mức cho các Đài khu vực về tỉ lệ tái đầu tư từ dịch vụ KTTV, tăng tỉ lệ trả lương từ nguồn dịch vụ. Đây chính là hướng đi đổi mới của ngành. Thứ tư tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông và các Bộ, ngành khác để tăng cường thông tin đến người dân, đặc biệt là phòng chống thiên tai cũng như các hoạt động thông tin, dịch vụ KTTV.

Với các quan điểm trên, Tổng cục đã phân công nhiệm vụ cụ thể theo 3 nhóm do Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Quản lý dự báo KTTV và Vụ Quản lý mạng lưới KTTV làm đầu mối.

Cũng tại cuộc họp, các đơn vị, các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận cởi mở về các định hướng phát triển ngành KTTV trong 5 năm tới.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Tổng cục KTTV xây dựng lộ trình thực hiện các nhiệm vụ theo các thứ tự ưu tiên cụ thể: Thứ nhất là tập trung cung cấp các phương tiện tổng hợp thông tin, các công cụ dự báo như: smatmap, các phần mềm chuyên dụng phục vụ các dự báo viên để đưa ra bản tin với chất lượng ổn định. Trong đó việc xây dựng các quy trình nghiệp vụ cần được nâng cao và chặt chẽ hơn. Thứ hai là áp dụng trí tuệ nhân tạo vào dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn với việc xây dựng cơ sở dữ liệu là thiết yếu. Thứ ba là tăng cường các hoạt động dịch vụ, sản phẩm dịch vụ khí tượng thủy văn theo các cách khác nhau để phục vụ theo nhu cầu của các ngành, các đối tượng, ưu tiên các ngành như hàng không, hàng hải, thủy điện,…Bốn là rà soát các chính sách của các ngành khác để đưa ra các chính sách của ngành KTTV nhằm khuyến khích, xã hội hóa, nâng cao vị trí, vai trò của ngành. Năm là nâng cao vai trò, vị trí của Tổng cục trong công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng quốc gia từ an ninh nước xuyên biên giới, Dự án Trường Sa, phối hợp với các Bộ, ngành khác xây dựng các dự án về KTTV như: phối hợp với ngành thủy sản xây dựng các trạm KTTV trên biển…

Toàn cảnh cuộc họp

Bài và ảnh: Bùi Dịu

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: