Theo dõi chặt chẽ mưa lũ sau bão số 4

Đăng ngày: 28-09-2022 | Lượt xem: 2247
Sáng 28-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru) - một trong những cơn bão lớn nhất ảnh hưởng tới nước ta trong những năm qua.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở Ban Chỉ đạo tiền phương chỉ đạo ứng phó bão số 4 tại thành phố Đà Nẵng, trụ sở UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: VGP)

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Hồng Thái Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn: đến sáng 28/9, bão số 4 di chuyển theo hướng tây, đi sang khu vực Nam Lào, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần; từ trưa và chiều ngày 28/9 không còn ảnh hưởng đến Việt Nam.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4: tại đảo Cù Lao Chàm có gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Tam Kỳ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 13; Đắk Tô có gió giật cấp 6; Pleiku, An Khê có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Lượng mưa tính từ 07h/27/9-08h/28/9: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam phổ biên 200-400mm, đầu mối hồ Việt An (Quảng Nam) 682mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 575mm, Nam Đông (Thừa Thiên Huế 481mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 459mm,…; Quảng Bình, Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên 100-200mm.

Đánh giá về cường độ bão, ông Trần Hồng Thái Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn nhận định, đây là một cơn bão có sự thay đổi rất nhanh, liên tục về cường độ, kể cả khi ở ngoài Philippines và trên biển Đông, có thời điểm khi ở ngoài Philippines, bão tăng 8 cấp trong vòng 24 tiếng. Từ 05-12h ngày 26/9, cường độ cấp 12; từ 14h ngày 26/9-05h ngày 27/9 cường độ cấp 14, giật cấp 16; 08h -23h ngày 27/9 cường độ cấp 14-15, giật cấp 17. Việt Nam dự báo, khi bão ở ngoài Philippines, dự báo bão cấp 13-14 trên biển, cấp 12-13 khi vào gần bờ do có tác động của ma sát, địa hình. Khi bão cách bờ biển Quảng Nam 100km, dựa trên quan trắc radar thời tiết, chúng ta cập nhật đánh giá cường độ bão khi vào bờ cấp 11-12, giật cấp 14.

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia, so sánh diễn biến bão Noru trên thực tế thì dự báo quốc tế cao hơn 2 - 3 cấp khi trên biển Đông; cao hơn 3 - 4 cấp khi đổ bộ vào đất liền. Còn dự báo của Việt Nam là sát nhất về cường độ bão ở trên Biển Đông và thấp hơn 1 - 2 cấp khi bão Noru đổ bộ đất liền các tỉnh Trung Bộ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái báo cáo tại cuộc họp (Ảnh: VGP)

Ông cũng đưa ra dự báo từ ngày 28-9 đến ngày 30-9, ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hòa Bình có mưa vừa, mưa to. Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, đặc biệt lưu ý các huyện Hướng Hóa, Đăk Rông (Quảng Trị), Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Konplong, Đắk Glei, Đăk Tô (Kon Tum).

Từ ngày 28 đến 30-9, trên các sông ở Bắc Trung bộ xuất hiện 1 đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông nhỏ thượng nguồn sông Mã lên mức báo động 1 và trên báo động 1. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu (Nghệ An), Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đến giờ này hôm nay (28/9), chúng ta đỡ căng thẳng hơn giờ này ngày hôm qua (27/9). Kết quả ứng phó bão là khả quan và tích cực. Đây là điều đáng mừng sau một cơn bão được dự báo rất mạnh, rất nhanh và phức tạp.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, khen ngợi, cảm ơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ quan khí tượng, thủy văn, quân đội, công an, báo chí truyền thông trong công tác phòng chống cơn bão số 4.

Nhờ đó, giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân và Nhà nước, đến giờ này mới chỉ có 4 người bị thương. Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với những người bị thương và các gia đình bị thiệt hại về tài sản.

Thủ tướng cũng yêu cầu, khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường phố để nhanh chóng khôi phục hoạt động và bảo đảm an toàn giao thông; Khôi phục hệ thống điện, thông tin, nước sạch sinh hoạt để bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân; Hỗ trợ người dân, nhất là những hộ khó khăn sửa chữa lại nhà cửa bị sập đổ, tốc mái, hư hại; khắc phục nhanh các công trình công cộng, đặc biệt là trường học, trạm y tế... để bảo đảm điều kiện cho học sinh trở lại trường, nơi khám chữa bệnh cho người dân; Khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão lũ để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân thời gian tới.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục theo dõi chặt chẽ mưa lũ sau bão để chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, sát với diễn biến thực tế, không để bị động, bất ngờ, không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác vì những năm gần đây bão không gây thiệt hại về người nhưng mưa lũ sau bão thì luôn có người bị thiệt mạng.

Cùng với đó tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán dân cư, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: VGP)

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: