Theo dõi chặt chẽ những diễn biến của cơn bão số 9

Đăng ngày: 18-12-2021 | Lượt xem: 2280
Tối ngày 17/12, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức cuộc họp thảo luận trực tuyến các diễn biến mới nhất của cơn bão số 8. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban Chỉ huy PCTT Bộ TN&MT Lê Công Thành tới dự và chỉ đạo cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Đặng Thanh Mai; đại diện  ban Chỉ huy PCTT Bộ TN&MT, đại diện Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Tổng cục. Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến các Đài KTTV khu vực: Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Bão số 9 cấp 14, giật cấp 17

Hồi 19 giờ ngày 17/12, vị trí tâm bão ở khoảng 10,4 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 19 giờ ngày 18/12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 150km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 8,0 đến 14,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 19 giờ ngày 19/12, vị trí tâm bão ở khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi Quảng Ngãi - Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 8,5 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 19 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão ở khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.


Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu tại cuộc họp

Cảnh báo gió mạnh và sóng lớn trên biển: Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực phía Bắc của Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 10; ở vùng biển Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh dần lên cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao nhất từ 8,0-10,0m; biển động dữ dội.

Từ ngày 19/12, ở vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6,0-8,0m; biển động dữ dội.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, Trung  tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực phía Bắc của Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 10; ở vùng biển Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh dần lên cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao nhất từ 8,0-10,0m; biển động dữ dội.

Từ ngày 19/12, ở vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6,0-8,0m; biển động dữ dội.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết báo cáo tại cuộc họp

Về tình hình mưa lớn, từ đêm mai (18/12) đến hết ngày 19/12, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa sẽ có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết bão số 9 có thể là một trong những cơn bão cuối cùng năm 2021 và đây là một cơn có những điểm bất thường. Hiện nay, còn nhiều dự báo về  đường đi của bão, thời điểm bão ngóc lên phía Bắc nhưng luôn luôn phải đề phòng phương án hướng bão có thể đi sâu vào đất liền. Ông nhấn mạnh, dù bão đi theo phương án nào, thì vùng biển từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên sẽ bị ảnh hưởng lớn, gió có thể lên cấp 8, cấp 9 và tác động của bão là rất lớn. Lưu ý công tác cảnh báo tác động gió mạnh, sóng lớn đến tàu thuyền, lồng bè ven biển. Ông cũng đề nghị Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ liên tục bám sát, thông tin cụ thể, kịp thời đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh để có phương án chỉ đạo, điều hành. Ông cũng đề nghị  các đơn vị cũng lưu ý về tác động của gió mạnh, sóng lớn và nguy cơ sạt ảnh hưởng đến hệ thống đê điều.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần làm việc của Hệ thống dự báo. Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, các đơn vị dự báo của Tổng cục cần sử dụng triệt để số liệu của các nhà giàn khoan DK và 2 ra đa để cập nhật liên tục vào cơ sở số liệu quan trắc, kịp thời đưa ra các dự báo, cảnh báo về các diễn biến bất thường của bão. Theo dõi sát sao và cảnh báo, đặc biệt khu vực các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Cù Lao Chàm, đảo Lý Sơn. Ông cũng lưu ý, rủi ro bão ở khu vực này rất cao đặc biệt cần chú ý đến khu vực: Bắc Khánh Hòa, Nam Phú Yên, Bình Định, Cảng Quy Nhơn…

Toàn cảnh cuộc họp

Bùi Dịu

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: