Thủ tướng chủ trì hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền trung và Tây Nguyên

Đăng ngày: 05-12-2021 | Lượt xem: 2174
Chiều 5/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai khu vực miền trung và Tây Nguyên năm 2021. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; điểm cầu trực tuyến các địa phương miền trung và Tây Nguyên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Phát biểu ý kiến mở đầu hội nghị, nhấn mạnh, mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề tại khu vực miền trung và Tây Nguyên, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của nhân dân trong việc khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có thân nhân bị nạn vừa qua; chia sẻ với những khó khăn, mất mát, thiệt hại của các địa phương do thiên tai ở miền trung và Tây Nguyên. Tại hội nghị này, Thủ tướng mong muốn được nghe báo cáo tình hình, nhất là các biện pháp ứng phó thiên tai của các địa phương, đặc biệt là việc chấp hành các quy định, quy trình xả lũ các hồ đập thủy điện, thủy lợi ở khu vực.

Thủ tướng cho rằng, qua đợt thiên tai này cần rút kinh nghiệm, xem xét về mặt quy chế có gì cần bổ sung, việc vận hành xả lũ đã phù hợp hay chưa. Cần rà soát lại để trên cơ sở đó hoàn thiện thể chế, các quy định, quy trình để khi có sự cố thì vận hành chuẩn xác sẽ giảm được thiệt hại không đáng có.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai; nêu rõ, về căn cơ, chúng ta phải có nghiên cứu cơ bản vì biến đổi khí hậu diễn biến nhanh và phức tạp. Cả thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc về sự nóng lên của Trái đất, do đó toàn cầu phải chung tay tham gia phòng, chống thiên tai, giảm bớt thiệt hại. Về tổng thể, Việt Nam cần phải tham gia vào việc hạn chế sự nóng lên của Trái đất theo đúng tinh thần của Hội nghị COP26 của Liên hợp quốc. Chúng ta phải tích cực bảo vệ môi trường, chống những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, dự báo về mưa tương đối phù hợp về phạm vi; tuy nhiên, tổng lượng mưa nhiều nơi cao hơn dự báo từ 100-200mm; lũ trên sông đều cao hơn dự báo, trong đó trên sông Ba tại Phú Lâm (Phú Yên), sông Cái Dinh tại Ninh Hòa (Khánh Hòa) lớn hơn nhiều so dự báo ban đầu, khoảng từ 1 đến 1,93m. Hầu hết các hồ đã đầy nước liên tiếp 5 đợt mưa lũ nên không còn dung tích để giảm lũ cho hạ du.

Công tác phối hợp vận hành điều tiết lũ trên lưu vực sông Ba giữa các tỉnh đã bộc lộ một số bất cập (quy trình, các điều kiện bảo đảm vận hành; thông tin và bảo đảm an toàn hạ du...). Công tác chỉ đạo quyết liệt, nhất là tại các địa phương; người dân chủ động ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" nên đã giảm thiếu tối đa thiệt hại, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, một bộ phận chính quyền và người dân còn bị động, chủ quan dẫn đến thiệt hại về người do đi lại bất cẩn trong mưa lũ.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Trần Hải)

Ban Chỉ đạo quốc gia kiến nghị, theo số liệu thống kê, đề xuất hỗ trợ bước đầu các địa phương đến ngày 4/12: hỗ trợ gạo cứu đói, sửa chữa nhà và các chính sách trợ giúp xã hội cho các địa phương vùng ngập lũ (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). Hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ, các địa phương chủ động, khẩn trương thực hiện và quyết toán với Bộ Tài chính theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ; hỗ trợ thuốc khử trùng, xử lý nước sạch, vệ sinh môi trường.

Các địa phương đề nghị hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để khắc phục cấp bách công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ, di dời khẩn cấp khỏi các khu vực thường xuyên ngập lụt và nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn...

Về lâu dài, cần đánh giá toàn diện về nguyên nhân gây ngập lụt nghiêm trọng và đề xuất các giải pháp căn bản; lâu dài theo hướng quản lý lũ tổng hợp; rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch, phương án phù hợp diễn biến mưa lũ, thiên tai trên địa bàn; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, đầu tư hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai; kiện toàn, nâng cao năng lực cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp; tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp chính quyên cơ sở và cộng đồng; nâng cao khả năng chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai, nhất là đê điều, hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền; xây dựng Trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia.

Ngoài ra, đầu tư trang thiết bị chuyên dùng phục vụ chỉ đạo ứng phó và bảo đảm an toàn cho lực lượng phòng, chống thiên tai; tiếp tục Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà chống bão, lũ; rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai, trong đó có Quỹ phòng, chống thiên tai, bảo hiểm rủi ro thiên tai...

Theo Báo Nhân dân

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: