Tổng cục Khí tượng Thủy văn hoàn thiện xây dựng Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Đăng ngày: 17-11-2020 | Lượt xem: 2256
Chiều 16/11/2020, tại Hà Nội Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã nghe Tổng cục Khí tượng thủy văn báo cáo tình hình xây dựng Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV): Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái, các Phó Tổng cục trưởng: Lê Hồng Phong, Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng, Đặng Thanh Mai; Lãnh đạo Viện Khoa học KTTV và BĐKH; đại diện Lãnh đạo trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội và Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội cùng toàn thể Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV tại điểm cầu Hà Nội và các đầu cầu trực tuyến ở các Đài KTTV khu vực.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cho biết Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu cục thể đó là: Đến năm 2030, phát triển ngành Khí tượng Thủy văn có vai trò tương xứng, là một phần quan trọng của hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, năng động, nhanh và bền vững, đổi mới sáng tạo, hoạt động phục vụ hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hóa, hình thành được nền công nghiệp khí tượng thủy văn phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực. Đến năm 2045, Trình độ, năng lực ngành Khí tượng Thủy văn của Việt Nam thuộc các nước tiên tiến trên thế giới.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, từ nay đến 20/12/2020, ngành KTTV sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành khí tượng thuỷ văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn báo cáo tại cuộc họp

Dự thảo Chiến lược đưa ra những mục tiêu cụ thể cho 6 nhóm vẫn đề gồm: Hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn; Hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; Thông tin, truyền tin, dữ liệu và xây dựng tài nguyên số thông tin KTTV; Dịch vụ khí tượng thủy văn; Truyền thông khí tượng thủy văn; Kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn.

Cụ thể, để hiện đại hóa hệ thống quan trắc KTTV, đến năm 2030 phải phát triển đồng bộ mạng lưới trạm tự động quan trắc về khí tượng thủy văn, đo mưa, bức xạ, nông nghiệp, xâm nhập mặn theo hướng tăng dầy mật độ các trạm tự động lên 70 % so với số lượng hiện có, ưu tiên phát triển tại các khu vực vùng núi các địa phương Bắc Bộ, Trung Bộ; đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ xảy ra các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong công tác dự báo, cảnh báo KTTV, đến năm 2030 phải đồng bộ và hiện đại hóa công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, thời hạn cảnh báo và dự báo; đạt chỉ tiêu 100% đối với tính kịp thời, 100% đối với tính đầy đủ của bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Dự báo sự hình thành ATNĐ và bão trước 1-2 ngày; quỹ đạo và cường độ ATNĐ trước 03 ngày, quỹ đạo và cường độ bão trước 05 ngày; Dự báo, cảnh báo đảm bảo độ tin cậy đối với lũ cho các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ lên 3-4 ngày, ở Trung Bộ lên 2-3 ngày, ở Nam Bộ lên đến 10 ngày; Cảnh báo các loại thiên tai như ngập lụt đô thị, lũ quét, sạt lở đất dự báo trước 06 giờ và đảm bảo độ tin cậy; Tăng thời hạn và đảm bảo độ tin cậy trong dự báo nước dâng do bão lên đến 03 ngày và sóng biển tới 05 ngày;

Đối với chỉ tiêu công tác thông tin, truyền tin, dữ liệu và xây dựng tài nguyên số thông tin KTTV: Hoàn thiện trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin cho Trung tâm Dữ liệu Data Center (DC) tại Hà Nội và đầu tư xây dựng DC mới tại thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo hệ thống hoạt động có tính dự phòng cao. Xây dựng mạng dùng riêng cho lĩnh vực KTTV; ứng dụng công nghệ truyền dẫn thế hệ mới trong thu nhận, truyền phát thông tin KTTV. Ứng dụng CMCN 4.0 vào truyền tin, thông tin và dữ liệu KTTV. Xây dựng được cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia; số hóa 100% kho tư liệu giấy khí tượng thủy văn và phát triển hoàn hiện hệ thống phần mềm nghiệp vụ dùng chung lĩnh vực khí tượng thủy văn.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hết sức quan trọng đối với sự phát triển của toàn ngành nói riêng và đất nước nói chung. Do vậy, chiến lược phải cập nhật tất cả các vấn đề mang tính thời đại phải nằm trong chiến lược quốc gia này.

Theo Thứ trưởng, chiến lược phát triển ngành KTTV phải có các giải pháp để tăng cường năng lực quản lý nhà nước về KTTV đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Đối với mạng lưới KTTV, trong chiến lược này việc phát triển mạng lưới ở một tầm mới từ số liệu, dữ liệu KTTV với Big Data, bổ sung các công nghệ quan trắc KTTV; trong đó, đặc biệt tăng cường việc xã hội hóa, thương mại hóa, huy động sự tham gia của toàn xã hội.

 Đối với công tác dự báo, cảnh báo: Chiến lược cần xác định rõ được các loại số liệu câng bổ sung, xác định rõ mô hình dự báo cũng như việc đồng hóa dữ liệu. Đặc biệt cần tăng cường nghiên cứu, bổ sung các công nghệ dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, từ vấn đề các trạm đo mưa, khảo sát khu vực, nguy cơ sạt lở đất cho đến việc chi tiết hóa địa chất cho các khu vực nguy cơ…

Bài và ảnh: Bùi Dịu

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: