Tổng cục Khí tượng Thủy văn họp trực tuyến về công tác dự báo Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Đăng ngày: 17-10-2023 | Lượt xem: 4229
Chiều 17/10/2023 Tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp KTTV, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức Phiên họp trực tuyến về dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới.

Tham dự phiên họp trực tuyến có các đồng chí lãnh đạo Tổng cục KTTV: Lê Hồng Phong, Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng, Đặng Thanh Mai. Cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục, các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh, thành phố.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Lê Hồng Phong phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Báo cáo về diễn biến áp thấp nhiệt đới (cập nhật vào 14h ngày 17/10), ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia) cho biết: 13 giờ ngày 17/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 160km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 5km/h.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia) báo cáo tại cuộc họp

Dự báo đến 13h ngày 18/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 10 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Dự báo từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km.

Ông cho biết, về quỹ đạo, bão di chuyển chủ yếu hướng theo hướng Bắc Tây Bắc, khoảng 10km/h. Khoảng gần sáng ngày 19/10 bão đi vào Vịnh Bắc Bộ.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đưa ra 2 kịch bản về quỹ đạo đối với cơn bão này. Cụ thể, kịch bản 1 là bão di chuyển như hiện tại, song song với bờ biển miền Trung, cách bờ biển khoảng 1-1,5 kinh độ, mưa có xu hướng di chuyển từ Nam ra Bắc, gió mạnh chủ yếu trên biển miền Trung, vịnh Bắc Bộ. Kịch bản 2 là bão di chuyển sát vào đất liền hơn, có khả năng đổ bộ vào khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Nam đồng bằng Bắc Bộ, gây mưa lớn ở khu vực miền Trung, gió mạnh trên biển miền Trung, vịnh Bắc Bộ và vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình trở ra tới khu vực ven biển Đồng bằng Bắc Bộ.

Theo các chuyên gia, đợt mưa do ATNĐ và có thể là bão có thể tập trung nhiều ở khu vực ven biển, thời gian ngắn, và mưa kéo dài nên tăng nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi. Đồng thời cũng cần chú ý dông lốc trước áp thấp nhiệt đới hay bão ở các khu vực.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường đồng tình với nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia rằng áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và nhận định xa hơn về tác động sau khi bão vào Vịnh Bắc Bộ, kết hợp với không khí lạnh có khả năng mạnh nhất vào thời điểm từ ngày 19-20/10, khiến bão có thể mạnh cấp 8-9.

Theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường, khi áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đất liền, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia sẽ phát tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp hoặc khi mạnh lên thành bão thì tần suất phát tin tăng lên thành 8 lần/ngày. Như vậy, việc chuyển trạng thái dự báo là rất nhanh nên hệ thống dự báo, cảnh báo quốc gia cần lưu ý và sẵn sàng.

Để đảm bảo công tác dự báo, cảnh báo phục vụ ứng phó với các tình huống thiên tai trong những ngày tới, ông Hoàng Đức Cường chỉ đạo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia chủ trì công tác dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét… đặc biệt lưu ý các hiện tượng gió mạnh, dông, lốc, tố trên các vùng biển ảnh hưởng đến tàu, thuyền, thông báo đầy đủ, kịp thời cho các Đài KTTV khu vực và các Đài KTTV tỉnh để cảnh báo thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai và tác động của thiên tai cho địa phương phục vụ công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cho các địa phương; chủ động đề xuất thảo luận trực tuyến; tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo ảnh hưởng, tác động của thiên tai nguy hiểm.

Thay mặt Lãnh đạo Tổng cục Ông Lê Hồng Phong đã phát biểu chỉ đạo, Ông lưu ý mặc dù theo dự báo, cơn bão này không quá mạnh, nhưng bão có khả năng di chuyển vào vùng biển của Vịnh Bắc Bộ, có thể gây ảnh hưởng đến nhiều tàu cá đang hoạt động trong vùng, do vậy cần cung cấp kịp thời những thông tin dự báo, cảnh báo để Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh trong vùng chịu ảnh hưởng kịp thời ứng phó. Đồng thời, cần rà soát lại toàn bộ hoạt động ven biển, các khu nuôi trồng thủy hải sản, các hoạt động du lịch, các tuyến luồng đi từ đất liền ra đảo, kể cả đảo phía Bắc để có thông tin kịp thời trong các bản tin dự báo.

Ông Lê Hồng Phong đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cân nhắc, đề xuất phương án quan trắc tăng cường và thời gian quan trắc tăng cường để nắm bắt rõ nhất ảnh hưởng và diễn biến của cơn bão, từ đó đưa ra các phương án dự báo phù hợp, phục vụ tốt nhất công tác dự báo, cảnh báo.

Ông lưu ý đợt mưa do ATNĐ và bão này đã chịu tác động của các đợt mưa từ ngày 11/10 nên cần đặc biệt chú ý dự báo, cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét khu vực Trung Trung bộ và Bắc Tây Nguyên.

Phó Tổng cục trưởng Lê Hồng Phong chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay nhiệm vụ được giao theo công văn Tổng cục ban hành về yêu cầu các đơn vị trực thuộc Tổng cục tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ.. Đặc biệt, đối với các Đài KTTV khu vực, các Giám đốc Đài có văn bản chỉ đạo đến các Đài tỉnh cũng như các trạm KTTV, cụ thể hóa những chỉ đạo của từng đơn vị. Vụ Quản lý dự báo có trách nhiệm đôn đốc các Đài triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Toàn cảnh cuộc họp

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: