Tổng cục Khí tượng Thủy văn họp trực tuyến về tình hình diễn biến cơn bão số 2 trên biển Đông (bão Sinlaku)

Đăng ngày: 02-08-2020 | Lượt xem: 2065
Tối 1/8, tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp Khí tượng thuỷ văn (Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn), Thứ trưởng Lê Công Thành, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ TN&MT chủ trì cuộc họp trực tuyến về tình hình diễn biến cơn bão số 2 trên biển Đông (bão Sinlaku).

Thứ trưởng Lê Công Thành, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ TN&MT chủ trì cuộc họp trực tuyến về tình hình diễn biến cơn bão số 2 trên biển Đông

Dự cuộc họp được trực tuyến tại Tổng cục KTTV có GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, các Phó Tổng cục trưởng: Lê Hồng Phong, Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng cùng đại diện các đơn vị thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ TN&MT. Cuộc họp được trực tuyến tới 9 Đài KTTV khu vực và Đài KTTV.

Nhận định tình hình diễn biến cơn bão số 2, đại diện lãnh đạo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại cuộc họp cho biết, do ảnh hưởng của bão số 2, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, ở đảo Cô Tô có gió giật cấp 8. Ở Bắc Trung Bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, riêng Hà Tĩnh có nơi trên 350mm.

Hồi 19 giờ ngày 01/8, vị trí tâm bão ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thái Bình-Nghệ An khoảng 280km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 7 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Trong 12-24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đưới tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật và lốc xoáy. Trên đất liền các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có khả năng cao xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Do ảnh hưởng của bão vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8; sóng biển cao 3,0-4,0m; biển động. Ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3,0-5,0m; biển động rất mạnh. Từ gần sáng và ngày mai (2/8), vùng ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng có gió giật cấp 7-8. Ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thái Bình có khả năng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 3,0-4,0m.

Đánh giá diễn biến cơn bão số 2, PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho rằng, so với các cơn bão khác đây là cơn bão phức tạp với hoàn lưu rộng, rất khó để định vị khu trung tâm của cơn bão số 2.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phát biểu tại cuộc họp

Với nhận định hoàn lưu cơn bão rộng như vậy, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV lưu ý thời điểm gió mạnh vào bờ khác nhau ở các khu vực. Lưu ý vấn đề liên quan phân bố lệch về mưa (lệch Nam) và gió (lệch Bắc). “Đây là cơn bão đầu tiên vào đất liền sau một thời gian dài nước ta trải qua nắng nóng, khô hạn. Do vậy, cần theo dõi chặt chẽ tính ổn định trong đường di chuyển, đánh giá nguy cơ mạnh lên của cơn bão này”.

Với những nhận định và đánh giá về diễn biến bão số 2, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị, đơn vị dự báo theo dõi chặt chẽ biến động của cường độ bão trước khi đổ bộ, rà soát lại vùng tác động và lưu ý về cảnh báo gió mạnh. “Cường độ bão tăng giảm đột ngột là hoàn toàn có thể xảy ra”. Lưu ý một số hồ xung yếu, sau một thời gian dài nắng nóng, khô nứt khi nước đổ xuống sẽ có rất nhiều nguy cơ xảy ra. Do vậy, các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh chủ động tham gia các cuộc họp của BCH PCTT&TKCN các tỉnh để nắm rõ thông tin và tập trung vào công tác dự báo mưa tại những khu vực trọng điểm, tránh được rủi ro thấp nhất. Bão Sinlaku là cơn bão đầu đổ bộ đất liền nước ta trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn hết sức phức tạp, đề nghị Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ chủ động phương án đảm bảo hoạt động trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ra tăng hiện nay, để đảm bảo công tác dự báo, cảnh báo phục vụ ứng phó với các tình huống thiên tai, Tổng cục KTTV đã thực hiện chỉ đạo quyết liệt công tác dự báo nhằm phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai nói chung nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại đối với địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bão hoặc mưa lũ.

Toàn cảnh cuộc họp

 Bài và ảnh: Thu Hằng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: