Tổng cục Khí tượng Thủy văn thảo luận trực tuyến về diễn biến cơn bão số 2

Đăng ngày: 12-06-2021 | Lượt xem: 2252
Trước những diễn biến mới nhất của cơn bão số 2, tối 12/6, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tiếp tục họp thảo luận trực tuyến về dự báo diễn biến và ảnh hưởng của cơn bão số 2. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Lê Công Thành tham dự và chủ trì buổi thảo luận.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại buổi thảo luận

Tại buổi thảo luận trực tuyến, các đơn vị tiếp tục phân tích, thảo luận về đường đi, cường độ, hướng di chuyển, đánh giá những tác động, khu vực bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão cần chú ý việc mưa lớn, dông, lốc, sét, gió giật mạnh ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, mưa dông trên biển.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV quốc gia phát biểu tại buổi thảo luận

Do ảnh hưởng của bão số 2, ở huyện đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 07h-19h ngày 12/6 phổ biến 50-150mm.

Hồi 19 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 110km về phía Nam; cách đất liền khu vực từ Hải Phòng đến Nghệ An khoảng 210km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh/thành phố khu vực Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 13/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 12 đến 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 19 giờ ngày 13/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Cảnh báo gió mạnh trên biển: Ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3,0-5,0m; biển động rất mạnh.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ đêm nay và sáng sớm ngày mai (13/6), khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng ven biển có nơi cấp 8, giật cấp 10.

Cảnh báo mưa lớn: Từ đêm nay (12/6) đến hết ngày 13/6, ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 80-150mm, có nơi trên 150mm; khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm. Mưa lớn ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có khả năng kéo dài hết ngày 14/6.

Cảnh báo dông, lốc, sét: Do ảnh hưởng của rìa phía Tây cơn bão nên trong đêm nay và sáng mai ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nguy cơ cao xảy ra dông, lốc, sét và gió giật mạnh.

Sau khi nghe phân tích của các chuyên gia và đại diện các phòng chuyên môn của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành hoan nghênh Tổng cục KTTV và Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã đưa được bản đồ dự báo lũ quét, sạt lở đất vào ứng dụng, sử dụng trực tiếp trong công tác dự báo với nguồn số liệu tốt hơn, gần hơn với thực tế. Thời gian tới Trung tâm Dự báo cần hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn số liệu mới này. Tổng cục KTTV chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng xây dựng hướng dẫn để sử dụng số liệu, theo dõi, đánh giá và thẩm định lại số liệu cho chính xác hơn. Các chuyên gia và các phòng chuyên môn đã có những phân tích kỹ lưỡng những tác động của cơn bão số 2, mặc dù cường độ và quỹ đạo của cơn bão đang ổn định, ít có sự thay đổi, tuy nhiên, vẫn cần theo dõi sát sao những diễn biến tiếp theo của cơn bão để đề phòng trường hợp có thể bão vào gần bờ vẫn có khả năng thay đổi, biến động và mạnh lên.

Ngoài ra, chúng ta cần tiến tới hướng dẫn, yêu cầu các Đài khu vực, Đài KTTV tỉnh trước các cơn bão/ATNĐ cần thu thập được thông tin những điểm có rủi ro lớn do chịu ảnh hưởng của thiên tai gây ra. Những năm qua những thiên tai gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho nhân dân thường gắn với những công trình và hoạt động của con người, trong thời gian tới cần xây dựng quy trình, quy định thu thập thông tin về các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội có rủi ro lớn để trước mỗi thiên tai chúng ta sẽ có được những thông tin cảnh báo, dự báo tác động sát với thực tế.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Công Thành, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cho biết thời gian vừa qua các đơn vị trong Ban chỉ huy PCTT của Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn cùng đồng hành và trải qua thử thách rất lớn của năm 2020, thời gian qua cũng đã nhìn nhận được những tồn tại và bài học kinh nghiệm. Qua chỉ đạo của Thứ trưởng, trong 06 tháng đầu năm 2021,Tổng cục KTTV và các đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác dự báo đảm bảo liên tục, kịp thời. Cơn bão số 2 KOGUMA là cơn bão đầu tiên của năm 2021 ảnh hưởng đến nước ta, Tổng cục KTTV và các đơn vị sẽ đảm bảo thông tin kịp thời để giảm thiểu tối đa nhất những thiệt hại do bão gây ra, mong rằng các cán bộ KTTV luôn “chân cứng, đá mềm, bình an” hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ trưởng Lê Công Thành trao đổi với các chuyên gia và dự báo viên

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: