Triển khai kế hoạch xây dựng đề án “Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”

Đăng ngày: 10-06-2021 | Lượt xem: 5240
Sáng ngày 10/6/2021, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp báo cáo về công tác triển khai kế hoạch Đề án “Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường ở các điểm cầu trực tuyến.

Đề án với mục tiêu điều tra, đánh giá chi tiết và cập nhật thông tin về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nghiên cứu - quản lý - chính quyền - nhân dân địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin hiện đại, thống nhất liên ngành phục vụ công tác cảnh báo sớm các khu vực nhạy cảm theo thời gian thực nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Báo cáo tại cuộc họp, Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ TN&MT cho biết Vụ đã triển khai xác định các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ để cung cấp cơ sở khoa học, phương pháp luận, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), tiêu chí xác định khu vực nhạy cảm, phân vùng cảnh báo, phân vùng rủi ro thiên tai,...

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết việc thực hiện đề án “Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” là hết sức cần thiết, các nội dung của đề án đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như yêu cầu thực tiễn của xã hội. Đề án là sự tập trung trí tuệ cũng như huy động nguồn lực, lực lượng từ nhiều nguồn khác nhau. Tổng cục KTTV sẽ là đơn vị tiếp thu các sản phẩm này để đưa ra bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ người dân, cộng động. Ông mong muốn Ban chỉ đạo Đề án có sự chỉ đạo quyết liệt để các đơn vị trong Bộ tăng cường sự phối hợp, chia sẻ số liệu sử dụng, đồng thời thay đổi phương thức lấy ý kiến, cần trao đổi chặt chẽ hơn trước khi thực hiện nhiệm vụ. Ông cũng đề nghị Vụ rà soát lại nội dung của Đề án để tránh tối đa sự trùng lặp cũng như chồng chéo các nhiệm vụ, xem xét tích hợp vào các Dự án hiện có của Bộ.

Cũng tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Công nghệ thông tin, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Vụ Kế hoạch Tài chính… đã tham gia ý kiến cụ thể vào các nội dung để đề xuất, kiến nghị nhằm triển khai Đề án nhanh chóng, đạt chất lượng.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh hiện tượng sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi, trung du gây ra những thiệt hại rất lớn, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng con người. Trong khoảng 5 năm gần đây, các thiên tai này xảy ra nhiều hơn. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT đều rất quan tâm đến vấn đề này. Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn các đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án sẽ thực sự tập trung để hoàn thành công việc, đưa ra được phạm vi cảnh báo sát hơn, hiện tượng cảnh báo có độ tin cậy cao hơn, thời gian cảnh báo sớm hơn nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong các đợt thiên tai.

Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Đề án cần được triển khai thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 tiến hành lập báo cáo ngắn gọn về kết quả các đề án, dự án, nhiệm vụ đã thực hiện có liên quan trực tiếp đến Đề án đang được triển khai tại các đơn vị, từ đó xem xét việc cần làm tiếp theo tại Đề án này. Từ kết quả của giai đoạn 1, sẽ đề ra nhiệm vụ, công việc cần thực hiện tiếp theo cho giai đoạn 2, xây dựng kế hoạch làm việc chi tiết của Ban chỉ đạo.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: