Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024

Đăng ngày: 16-12-2023 | Lượt xem: 2998
Chiều ngày 15/12/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, nền nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc các tháng trong năm 2023 đến nay phổ biến cao hơn từ 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm (TBNN); đặc biệt tháng 2, tháng 7, tháng 10 và tháng 11 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có nền nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 1,5-2 độ C so với TBNN. Riêng tháng 1/2023, nhiệt độ trung bình tại Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ thấp hơn 0,5-1 độ C so với TBNN cùng thời kỳ.

Tổng lượng mưa từ tháng 1 đến hết tháng 11/2023 tại khu vực Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng và khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ cao hơn từ 10-40% so với TBNN, các khu vực khác phổ biến thấp hơn từ 5-30% so với TBNN.

Trong năm 2023, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng ENSO ở trạng thái El Nino. Tổng cộng đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, liên quan đến bão, áp thấp nhiệt đới(tính đến ngày 5/12, trên khu vực Biển Đông đã có 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới); không khí lạnh và rét đậm, rét hại (với 21 đợt tính đến ngày 5/12); nắng nóng trên diện rộng (20 đợt); mưa lớn trên diện rộng (21 đợt).

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phát biểu tại hội nghị

Ngoài ra, các loại hình thiên tai bao gồm: lũ, ngập lụt (trên các sông khu vực Bắc Bộ xuất hiện 8 đợt lũ; tính đến ngày 5/12, khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên xuất hiện 5 đợt lũ trên diện rộng; tại khu vực Nam Bộ, mùa lũ năm 2023, ở Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện lũ nhỏ); lũ quét, sạt lở đất (28 đợt với hơn 100 điểm lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi 35 tỉnh); hạn hán, xâm nhập mặn; triều cường, sóng lớn, nước dâng do bão và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã chỉ đạo các phòng chuyên môn thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thủy văn, thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo KTTV, nguồn nước theo quy định của Tổng cục KTTV. Tính đến ngày 5/12, Trung tâm đã thực hiện ban hành 8.467 Bản tin, trong đó 2.724 Bản tin dự báo, cảnh báo KTTV nguy hiểm, 5.743 Bản tin dự báo KTTV trong điều kiện bình thường.

Trung tâm đã cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất cho nhân dân các địa phương, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV báo cáo tại Hội nghị

Tại hội nghị, các đơn vị trực thuộc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trực thuộc Tổng cục KTTV cũng như các đơn vị trong và ngoài Bộ TN&MT đánh giá cao sự phối hợp giữa Trung tâm với các đơn vị liên quan, góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo KTTV.

Trong bối cảnh năm 2024 dự báo tình hình thiên tai sẽ phức tạp, diễn biến bất thường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường đề nghị Trung tâm chủ động đổi mới phương pháp làm việc từ công tác quản lý đến vận hành hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV. Phương châm chủ đạo vẫn là: Bản tin dự báo, cảnh báo KTTV sớm hơn, chi tiết hơn, tin cậy hơn và cần thêm nữa là: số hóa hơn, trực quan hơn.

Trung tâm cần tuân thủ nghiêm các quy định về dự báo, cảnh báo KTTV; tăng cường theo dõi chặt chẽ các hiện tượng KTTV, đặc biệt là các hiện tượng KTTV nguy hiểm; thường xuyên tổ chức trao đổi, phân tích chuyên sâu về các trường hợp dự báo bão, mưa, lũ… khó, phức tạp để đúc kết thành những bài học, kinh nghiệm thực tiễn, để những lần dự báo sau đạt kết quả tốt hơn. Những thông tin, bài học, kinh nghiệm này cần được truyền tải đến các Đài KTTV khu vực và các Đài KTTV tỉnh thông qua các hội thảo trực tuyến, hội thảo khoa học và các diễn đàn khác nhau.

Phó Tổng cục trưởng yêu cầu Trung tâm tiếp tục triển khai hoàn thiện, hoàn chỉnh các quy trình dự báo thiên tai nguy hiểm, nhất là với các loại bản tin như bão/áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, trượt lở đất; tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; khai thác tối đa các nguồn thông tin như vệ tinh, radar, đo mưa tự động và các thông tin dự báo, đặc biệt là của mô hình khu vực độ phân giải cao để đưa ra các cảnh báo sớm, kịp thời và có độ tin cậy cao đối với các loại hình thiên tai.

Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với các đơn vị trong Tổng cục, đặc biệt là Trung tâm thông tin dữ liệu KTTV để đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng CDH trong nghiệp vụ; ứng dụng khoa học, các công nghệ mới, hiện đại trong dự báo, cảnh báo KTTV, nhất là hệ thống SmartMet...

Ông đề nghị Trung tâm lưu ý trong bối cảnh của El Nino, mùa đông năm nay nền nhiệt độ có thể ấm hơn bình thường, số đợt không khí lạnh không nhiều, tuy nhiên nguy cơ cao xuất hiện đợt lạnh mạnh, kỷ lục, gây rét đậm, rét hại đối với vùng núi. Đồng thời, mùa mưa lũ năm 2024 ở Bắc Bộ có thể biến động bất thường. Đây là các vấn đề các đơn vị dự báo cần hết sức lưu ý, theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời và thông tin thường xuyên với chính quyền địa phương để có giải pháp ứng phó.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục KTTV cũng như ý kiến đề xuất của các đơn vị liên quan, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết Trung tâm sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ quan trọng theo chỉ đạo của Tổng cục KTTV, đặc biệt là triển khai kế hoạch đổi mới công tác dự báo thủy văn, tiếp tục vận hành và hoàn thiện Hệ thống dự báo thuỷ văn theo lưu vực, hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực, nâng cao chất lượng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.

Trung tâm sẽ nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa, theo đó, tăng cường khai thác, sử dụng các nguồn dữ liệu quan trắc như vệ tinh, radar, đo mưa tự động và các nguồn thông tin dự báo, đặc biệt là dự báo của mô hình khu vực độ phân giải cao; tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại (trí tuệ nhân tạo, học máy...) trong bài toán dự báo định lượng mưa.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tạp chí KTTV

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: