Bắc Giang chủ động hiệp đồng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Đăng ngày: 12-11-2021 | Lượt xem: 1751
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra 3 vụ giông, lốc; 2 vụ cháy nhà xưởng; 3 vụ cháy rừng, ước thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Từ thực tiễn này, tỉnh Bắc Giang đã chủ động hiệp đồng triển khai các phương án phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn.

 

Các lực lượng chức năng của tỉnh Bắc Giang diễn tập công tác phối hợp phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại huyện Hiệp Hòa (ảnh: PN)

Ngay khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Tân Yên đã báo cáo Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh và Chủ tịch UBND huyện huy động ngay 175 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện tham gia khắc phục hậu quả. Dân quân Bùi Văn Hòa, xã Cao Xá cho biết: "Ngay sau khi giông, lốc xảy ra, chúng tôi được lệnh về tận cơ sở giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Sau hai ngày, hàng trăm cây gãy đổ ven đường được thu dọn, bảo đảm giao thông; thu hồi số tôn và lợp lại mái nhà cho các hộ".

Gia đình ông Giáp Tất Đạt, thôn Tân Trung, xã Ngọc Châu, bị ảnh hưởng nặng nhất, ông cho biết: “Lốc xoáy xảy ra quá nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay; nhà ở và các công trình phụ của gia đình bị tốc mái hoàn toàn. Sáng hôm sau, bộ đội đến hỗ trợ dọn dẹp, lợp lại mái nhà, cuộc sống ổn định ngay". Bên cạnh đó, Ban CHQS huyện cũng tham mưu cho UBND huyện xây dựng Kế hoạch hiệp đồng phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn.

Theo đó huy động 400 chiến sĩ, hơn 5 nghìn người thuộc lực lượng xung kích; tập kết 600 thuyền, bè, phương tiện vận chuyển; gần 1 nghìn áo phao; hơn 10.000 m3 đất đá và hàng chục máy xúc, ô tô tải sẵn sàng ứng phó tại chỗ. Trung tá Giáp Văn Chính, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện thông tin: Trước tình hình mưa lớn kéo dài, giông lốc, sét, Ban CHQS huyện đã bố trí lực lượng canh phòng, túc trực để ứng phó, không để xảy ra thiệt hại về người, giảm mức thấp nhất thiệt hại về tài sản, ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thế cho biết: “Trong trường hợp xảy ra lũ quét, nước ngập sâu, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) của huyện sẵn sàng huy động lực lượng gồm: Lực lượng xung kích 1 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, các đại đội dự bị động viên, trung đội dân quân cơ động); lực lượng xung kích 2, lực lượng hiệp đồng với Lữ đoàn xe tăng 409 – Quan khi I cùng người dân các địa phương khẩn trương tham gia ứng cứu; đồng thời phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để huy động lực lượng ứng cứu. Phương tiện, vật tư thực hiện nhiệm vụ gồm các xuồng cao tốc, xe tải, máy xúc, máy ủi, phao cứu sinh, áo phao cá nhân... Mặt khác, huyện vận hành các khu sơ tán nhân dân tại các vị trí đồi cao, trường học, trụ sở UBND xã, sẵn sàng để sơ tán người dân đến nơi an toàn; bố trí đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, thuốc chữa bệnh và chủ động các phương án bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm an toàn thông tin liên lạc, bảo đảm an toàn giao thông và chủ động phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sau thiên tai và chủ động phương án phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19”.

Cùng với phòng, chống lụt bão, lực lượng vũ trang các đơn vị, địa phương cũng tích cực chuẩn bị các phương án phòng, chống cháy rừng và thiên tai khác. Điển hình là đám cháy rừng tại thôn Dĩnh Sơn và Sơn Hải thuộc xã Trung Sơn (Việt Yên) vừa qua ngay khi bùng phát lửa đã sớm được khống chế.

Bộ CHQS tỉnh chuẩn bị sẵn sàng 14 xuồng các loại, 150 nhà bạt, 4 nghìn phao cứu sinh và hàng trăm bình cứu hỏa, máy cắt thực bì, cưa tay tham gia phòng, chống lụt bão, cháy rừng. Đơn vị cũng chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh kế hoạch và khu vực trọng yếu có nguy cơ xảy ra thiên tai; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các đơn vị vũ trang đứng chân trên địa bàn xây dựng kế hoạch hiệp đồng về lực lượng, phương tiện.

Theo Đại tá Dương Văn Đoàn, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh: Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục duy trì nghiêm chế độ trực các cấp, thường xuyên bảo đảm lực lượng, phương tiện tham gia xử lý các tình huống; làm tốt công tác phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan nắm chắc tình hình khí hậu, thời tiết, công trình thủy lợi, sông suối, hồ đập. Tiếp tục bổ sung, điều chỉnh các kế hoạch, phương án, tổ chức diễn tập ở các cấp nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo Báo Đảng cộng sản

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: