Bến Tre khẩn trương ứng phó đợt triều cường lớn vào rằm tháng Tám

Đăng ngày: 20-09-2021 | Lượt xem: 1723
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, sẽ có đợt triều cường lớn ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Bến Tre, theo đó, chính quyền và người dân vùng sông nước này đang khẩn trương ứng phó để giảm thiệt hại do triều cường gây ra.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, từ nay đến ngày rằm tháng Tám âm lịch (ngày 21/9/2021), mực nước đỉnh triều hàng ngày trên các sông và kênh rạch đang tăng dần. Đặc biệt, vào dịp rằm Tháng 8, đỉnh triều có khả năng từ mức báo động I đến vượt mức báo động I là 6cm.

Huyện Chợ Lách huy động cơ giới khắc phục đoạn đê bị sụp lở tại cồn Phú Đa.

Chủ động ứng phó với triều cường, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cùng với người dân trong tỉnh khẩn trương thực hiện công tác kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao xung yếu, khắc phục các điểm sạt lở ở các khu vực trũng thấp, khu vực cồn, ven sông, ven biển. Đáng ghi nhận tại huyện Chợ Lách, chính quyền huyện, xã đã huy động nhân lực, vật lực khẩn trương thi công ngày, đêm đến nay, cơ bản khắc phục xong điểm sạt lở lớn tại cồn Phú Đa, thuộc xã Vĩnh Bình, đảm bảo an toàn trong đợt triều cường tới.

Tuy nhiên, khó khăn đối với tỉnh Bến Tre là địa bàn có hệ thống sông, rạch chằng chịt, tình hình sạt lở rất nghiêm trọng; trong khi đó địa phương không đủ nguồn kinh phí để khắc phục nên có nguy cơ dẫn đến vỡ đê, nước tràn khi mưa to và nước thượng nguồn đổ về.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết, trong đợt triều cường tới đây, địa phương lo ngại điểm sạt lở “hàm ếch” gần 80m ở ấp 4. Do sạt lở lớn nên địa phương không có khả năng khắc phục, nếu tiếp tục vỡ đê thì triều cường sẽ tràn vào gây thiệt hại vườn cây, đe dọa nhà ở của người dân.

Đoạn sạt lở lớn tại cồn Phú Đa huyện Chợ Lách đã được cơ bản khắc phục, an toàn trong đợt triều cường sắp đến.

“Chúng tôi đang đề phòng nguy cơ vỡ đê bao, còn vấn đề nước tràn đã được bà con khắc phục bằng cách gia cố, cắm dây văng... Điểm sạt lở “hàm ếch” không xử lý thủ công không. Tại nhiều điểm, bà con đã tự gia cố và thuê các đội cơ giới làm. Sau khi gia cố, chúng tôi sẽ có kiến nghị làm kè rọ đá, chứ làm đê bao thì không bền vững”, ông Thọ nói./.

Theo VOV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: