Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025

Đăng ngày: 28-09-2022 | Lượt xem: 1997
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quyết định số 2483/QĐ-BTNMT về Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025 của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025 làm cơ sở phân công, chỉ đạo các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 342/QĐ-TTg. Đồng thời chi tiết, cụ thể hoá các nhiệm vụ, xác định được mục tiêu, nội dung thực hiện, sản phẩm và kế hoạch tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong Quyết định số 342/QĐ-TTg.

Các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể:

Hoàn thiện quy định pháp luật, cơ chế chính sách trong hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo, thông tin về khí tượng thủy văn, tài nguyên nước; kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật khí tượng thủy văn, tài nguyên nước khai thác khoáng sản

Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về khí tượng thủy văn, tài nguyên nước. Rà soát, điều chỉnh, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về dự báo, cảnh báo, thông tin khí tượng thủy văn, tài nguyên nước để nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước.
Nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, khoáng sản; quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, cát, sỏi lòng sông; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường các chế tài để đảm bảo việc thực thi pháp luật, định kỳ và đột xuất kiểm tra và xử lý kịp thời, triệt để các hành vi vi phạm.

Tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn, thiên tai
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai; kết hợp hài hòa giữa phương thức truyền thống với hiện đại để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời về thiên tai, rủi ro thiên tai với nội dung và hình thức đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận, phù hợp với đặc điểm thiên tai của từng vùng, chú trọng các đối tượng dễ bị tổn thương; hợp tác với các tổ chức viễn thông để đưa các thông tin cảnh báo, dự báo đến người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác. Xây dựng và thực hiện Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo rủi ro thiên tai, nhất là bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; xây dựng Đề án “Cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” trình Thủ tướng Chính phủ. Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, công nghệ dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn và khí tượng thủy văn biển, hạ tầng mạng truyền dẫn trong thu thập số liệu khí tượng thủy văn.Xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng; công nghệ dự báo lũ phục vụ vận hành hồ chứa; hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều tra, khảo sát thu thập thông tin, dữ liệu về khí tượng thủy văn; rà soát các quy trình vận hành liên hồ chứa; lập, điều chỉnh quy hoạch liên quan đến tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và quy hoạch khác có liên quan đến phòng, chống thiên tai
Khảo sát, đo đạc bổ sung địa hình lòng dẫn vùng đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng, các sông miền Trung; mặt cắt vùng cửa sông, biển. Rà soát các quy trình vận hành liên hồ chứa; điều tra, đánh giá tác động của việc xây dựng hồ chứa nước ở các quốc gia thượng nguồn đến hạ du, diễn biến bùn cát trên các hệ thống sông liên quốc gia. Hoàn thiện các quy hoạch cấp quốc gia; Quy hoạch ngành quốc gia; Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan đến phòng, chống thiên tai theo quy định tại Quyết định số 1977/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kế hoạch tổ chức lập quy hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu; đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, xử lý số liệu khí tượng thủy văn. Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như mạng vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, vận hành hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo và phát triển dịch vụ khí tượng thủy văn, tài nguyên nước.
Hợp tác quốc tế
Tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia, đối tác phát triển, nhà tài trợ, cơ quan nghiên cứu khoa học trong khu vực và trên thế giới về công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, nhất là hợp tác chia sẻ thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, vận hành hồ chứa trên sông, suối xuyên biên giới, quản lý tài nguyên nước. Duy trì hợp tác, thường xuyên cung cấp thông tin về thiên tai và giữ liên lạc với các đầu mối quốc tế để tiếp nhận xu hướng quản lý rủi ro thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu.Triển khai thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm các điều ước quốc tế, hiệp định, thỏa thuận hợp tác mà Việt Nam là thành viên. Tham gia tích cực, chủ động trong các cơ chế hợp tác về phòng, chống thiên tai. Trong đó ưu tiên giải quyết các vấn đề thiên tai xuyên biên giới như: duy trì nguồn nước, chống hạn, ứng phó thảm họa…

 Đầu tư cơ sở hạ tầng
Xây dựng, nâng cấp hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo các loại hình thiên tai. Xây dựng trung tâm trung tâm dữ liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long, tích hợp dữ liệu tài nguyên, môi trường của khu vực phục vụ phân tích, đánh giá hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu (TDA4-WB9).

Tạp chí KTTV

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: