Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả của bão số 2

Đăng ngày: 03-08-2020 | Lượt xem: 1418
Do ảnh hưởng của bão bão số 2, từ ngày 1 - 3/8, nhiều tỉnh thành đã có mưa to, dông lốc gây sạt lở một số tuyến đường giao thông, thiệt hại nhiều tài sản của người dân.
Chú thích ảnh
 Lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả giông lốc tại khu vực 3, phường 3, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

*Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, qua thống kê sơ bộ, tính đến 9 giờ ngày 3/8, toàn tỉnh có 194 căn nhà bị sập và tốc mái do mưa to và dông lốc cục bộ. Tổng thiệt hại ước tính trên 2,4 tỷ đồng. Huyện Phụng Hiệp là địa phương có số nhà sập, tốc mái nhiều nhất với 12 căn nhà sập, 55 căn tốc mái.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đang chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát thiệt hại do bão số 2 gây ra.  UBND cấp xã có nhà sập và tốc mái điều động lực lượng xung kích, dân quân tự vệ, công an và các đoàn thể cùng người dân tham gia khắc phục, dọn dẹp, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; kiểm tra, rà soát tổng hợp thiệt hại báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Từ ngày 1 đến sáng 3/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 kết hợp gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực tỉnh Hậu Giang xảy ra mưa rào và dông trên toàn tỉnh, có nơi mưa vừa, mưa to kèm dông, lốc, sét

Để hạn chế thiệt hại do mưa to, dông, lốc gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khuyến cáo người dân cảnh giác, chằng chống nhà cửa; kiểm tra các cây cao dễ đổ ngã, đường dây điện để có phương án đảm bảo an toàn trong suốt mùa mưa, bão. Người dân tránh xa vật có kim loại; không trú ẩn dưới tán cây lớn để đảm bảo an toàn khi xuất hiện sét.

* Ngày 3/8, thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, gần 20 căn nhà dân ở hai huyện Đầm Dơi và Trần Văn Thời bị thiệt hại (sập, tốc mái) do ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 2 kết hợp gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trong ngày 2/8. Ước tính thiệt hại ban đầu do thiên tai trên địa bàn là hơn 220 triệu đồng.

Chính quyền địa phương đang tiếp tục rà soát thống kê về thiệt hại của người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2; đồng thời huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động biện pháp ứng phó với thiên tai theo phương châm ‘‘bốn tại chỗ’’; trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp ứng phó, phòng, chống thiên tai do cơ quan chức năng hướng dẫn, khuyến cáo.

* Đến sáng 3/8, nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An vẫn đang trong tình trạng ách tắc do sạt lở đất đá hoặc ngập nước.

Chú thích ảnh
Sáng 3/8, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã trực tiếp đi kiểm tra chỉ đạo khắc phục sạt lở tuyến đường huyết mạch Tà Cạ - Mường Típ. Ảnh: TTXVN/phát

Tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, sáng 3/8, lãnh đạo huyện cùng các ban, ngành liên quan đã trực tiếp đi kiểm tra sạt lở tuyến đường huyết mạch Tà Nghệ An Cạ - Mường Típ; chỉ đạo xã Tà Cạ huy động lực lượng, phương tiện kịp thời khắc phục sạt lở, sớm thông xe đi lại trên tuyến đường này. 

Huyện Quế Phong, Tương Dương… đang có nhiều khu vực bị ngập nước, có những nơi ngập sâu 0,3m. Một số bản làng bị chia cắt do đường giao thông đang bị ách tắc, ngập nước, sạt lở, hư hỏng. Sáng 3/8, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đã đi kiểm tra, chỉ đạo các giải pháp để khắc phục.

Việc khắc phục hậu quả ảnh hưởng của bão số 2 tại Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn do địa bàn miền núi rộng, phức tạp về địa hình và lực lượng, phương tiện tại địa phương thiếu. Bên cạnh đó, mưa tuy giảm, nhưng một số hồ thủy điện tiến hành xả lũ cộng với nước từ thượng nguồn đổ về nên mực nước tại nhiều địa phương chưa giảm. Một số khu vực, vị trí không thể đưa máy móc cùng lực lượng vào để khắc phục.

Hiện nay, giải pháp đang được các địa phương miền núi trong tỉnh thực hiện là: cắm biển báo, cử người trực gác; cấm người, phương tiện qua lại tại những tuyến đường ngập nước; tập trung san gạt đất đá tại những vị trí nước đã rút để thông đường, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: