Cảnh báo tình trạng sạt lở đất, lũ quét do mưa lũ

Đăng ngày: 18-09-2023 | Lượt xem: 1299
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, ngoài các tỉnh thuộc Nam Trung bộ, Tây Nguyên như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, nhiều nơi thuộc khu vực miền Trung Trung bộ và Nam bộ cũng sẽ có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét do mưa lũ.

Một điểm sạt lở do mưa lũ tại Quảng Nam. Ảnh minh họa: quangnam.gov.vn

Một điểm sạt lở do mưa lũ tại Quảng Nam. Ảnh minh họa: quangnam.gov.vn

TTXVN dẫn thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, nhiều tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa vừa, mưa to. Điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Một số điểm nguy cơ cao như huyện Núi Thành, Hiệp Đức, Bắc Trà My, Tiên Phước (Quảng Nam); Ba Tơ (Quảng Ngãi); thành phố Kon Tum, huyện Đắk Tô, Kon Plông, Đắk Glei, Sa Thầy (Kon Tum). Mức độ rủi ro do thiên tai, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún do mưa lũ hoặc dòng chảy là cấp 1.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, trong hôm nay, ngoài các tỉnh thuộc Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Trung Trung bộ và Nam bộ cũng sẽ có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét do có mưa. Lượng mưa từ 10-30 mm, có nơi trên 70 mm.

Trên biển, dự báo khu vực phía Nam vịnh Bắc bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa rào và dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8. Trung tâm lưu ý cho tàu thuyền và các hoạt động trên các vùng biển trên đều có thể chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.

Trong một diễn biến liên quan, một số địa phương như Thanh Hóa, Tiền Giang đang thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, biển.

Theo TTXVN, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương đang đầu tư hơn 745 tỉ đồng để triển khai 6 dự án khắc phục sạt lở bờ sông, biển, hướng đến việc bảo vệ sản xuất và ổn định đời sống người dân.

Những dự án này gồm bờ kè sông Ba Rài, xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong, kè chống sạt lở Cồn Ngang, nâng cấp đê biển Gò Công, bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực sạt lở nguy hiểm xã Tân Phong… Dự kiến đến cuối năm 2023, Ban Quản lý này tiếp tục thực hiện thêm dự án xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên sông Cái Bè với tổng vốn đầu tư 250 tỉ đồng.

Ở tỉnh Thanh Hóa, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, địa phương có hơn 6.200 hộ dân đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất và hơn 2.200 hộ dân đang sống khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét.

Chẳng hạn như ở xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, UBND huyện đã đầu tư, xây bờ kè dài 200 m bờ sông. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn 5 km đường bờ sông Mã với gần 100 hộ dân sống ven bờ sông đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở. Tại huyện Như Thanh có 110 hộ sống trong khu vực nguy cơ ngập lụt khi mùa lũ về, trong đó chủ yếu là các hộ dân sống tại vùng thực hiện dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ.

Ngoài ra, tỉnh vẫn còn gần 32.900 hộ dân đang sinh sống ở khu vực ven sông, cần phải sơ tán khi có lũ và hơn 40.900 hộ đang sinh sống ở khu vực ven biển và cửa sông cần phải sơ tán khi có bão.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Trước mắt, tại những điểm có nguy cơ sạt lở, địa phương đã bố trí lực lượng cắm biển cảnh báo nguy hiểm, theo dõi các vết nứt để kịp thời ứng phó khi mưa lớn xảy ra; lên phương án di dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở.

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/canh-bao-tinh-trang-sat-lo-dat-lu-quet-do-mua-lu/

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: