Chủ động phòng, chống thiên tai

Đăng ngày: 26-05-2020 | Lượt xem: 1307
Khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện với mức độ ngày càng nhiều hơn, những nguy cơ tiềm ẩn mùa mưa bão cũng đi kèm. Dự báo, lũ năm nay không lớn nhưng thiên tai sẽ diễn biến phức tạp, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan, sạt lở đất bờ sông… nên cần ứng phó trên tinh thần chủ động.

Tập trung phương tiện ứng phó thiên tai

Thường xuyên cập nhật thông tin

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, hiện nay, An Giang đang bước vào thời kỳ chuyển mùa mưa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: giông, sét, lốc, gió giật… xuất hiện, làm đổ ngã cây xanh, gây ảnh hưởng đến sản xuất, thiệt hại về tài sản và tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến tính mạng nhân dân. Do vậy, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai và hướng dẫn biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Phòng, chống thiên tai tại địa chỉ http://phongchongthientai.mard.gov.vn, của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang (http://kttv.angiang.gov.vn) để kịp thời có biện pháp phòng, chống và ứng phó hiệu quả.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện và chỉ đạo các đơn vị, phường, xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền đến các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân thường xuyên kiểm tra, gia cố, tu sửa nhà ở, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng thuộc phạm vi quản lý nhằm đề phòng mưa, giông, lốc, gió giật bất ngờ xảy ra; hướng dẫn xây dựng các công trình, nhà ở, chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư giao lập kế hoạch sản xuất nông nghiệp để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Sở có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, thường xuyên tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, triển khai thu và sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai kịp thời và hiệu quả.

Đối với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang và UBND các huyện, thị xã, thành phố, có trách nhiệm chỉ đạo rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh ven đường, công viên, khu dân cư để chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây mục rỗng, sâu bệnh, tán lá lớn… nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và người tham gia giao thông. Trường hợp cây xanh ngã đổ, phải huy động lực lượng, phương tiện, vật tư khắc phục, xử lý ngay. Đối với các sở, ngành khác, tùy theo nhiệm vụ được giao mà tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn, đảm bảo an toàn trong phạm vi, lĩnh vực quản lý.

Tăng cường trách nhiệm

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu kiện toàn và phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và cấp xã; rà soát quy chế hoạt động và triển khai thực hiện một cách đầy đủ, trách nhiệm, hiệu quả. Sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các địa phương cần tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch những tháng còn lại.

Các địa phương chủ động chuẩn bị các phương án, kế hoạch, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Song song đó, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để chủ động hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, tổ chức chặt, tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện. Các huyện, thị xã, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình trước mùa mưa lũ hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công.

Khi có mưa, giông, lốc xảy ra, các địa phương tiến hành huy động lực lượng, vật tư, thiết bị để nhanh chóng xử lý sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai. Các công việc cấp thiết là khẩn trương cứu hộ, cứu nạn cho người và tài sản; sửa chữa, gia cố công trình, nhà ở dân cư bị hư hỏng, thu dọn cây xanh bị đổ ngã và xử lý vệ sinh môi trường. Đối với đơn vị quản lý trạm bơm, phải tổ chức lắp đặt trạm bơm điện đề phòng các đợt mưa lớn gây ngập úng cục bộ, chủ động bơm tiêu chống úng bảo vệ diện tích sản xuất lúa.

Sau thiên tai, các địa phương thống kê, đánh giá thiệt hại về nhà ở, trụ sở, cây trồng, thủy sản, vật nuôi và các công trình kiến trúc khác; đề xuất các biện pháp hỗ trợ, khôi phục sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống cho nhân dân. Cùng với đó, tổ chức lực lượng, các đoàn công tác thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời để giúp người dân khắc phục hậu quả do sự cố mưa, giông, lốc gây ra nhằm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh được giao nhiệm vụ sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ để hỗ trợ, ứng cứu kịp thời các địa phương, đơn vị và đảm bảo an ninh trật tự khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Theo baoangiang.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: