Chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa, bão

Đăng ngày: 07-09-2020 | Lượt xem: 3892
Những năm gần đây, những biến động về khí hậu, thời tiết ở nước ta ngày càng thể hiện rõ nét. Thời tiết bất lợi, thiên tai đã và đang là yếu tố cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

Vì vậy, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai do mưa, bão, lũ lụt đang là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các cấp, các ngành và các địa phương khi các khu vực ở nước ta đã bước vào thời kỳ mưa bão.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm, nước ta phải đón khoảng 10 cơn bão, nhiều trận lũ quét, lũ ống do mưa lớn bất thường. Nằm trong đới khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm chịu ảnh hưởng của các khối khí chuyển động theo mùa, ngoài ra còn có những nét đặc thù về địa hình cũng như ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, nên việc phải “sống chung với lũ, bão, thiên tai” là điều khó tránh khỏi với nước ta. Chính vì vậy, với các sự cố bất thường của tự nhiên, chúng ta chỉ có biện pháp duy nhất là tích cực, quyết liệt trong phòng, chống với ý thức tự giác và chủ động.

Để đạt được tính hiệu quả tối đa trong phòng, chống thiên tai (PCTT), thì sự chủ động, ý thức tự giác của người dân đóng vai trò quyết định. Chỉ khi người dân chủ động, tự chuẩn bị PCTT cho chính gia đình mình thì có nghĩa họ đã hiểu được sự nguy hiểm của thiên tai và khi ấy mọi quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng mới được chấp hành nghiêm chỉnh.

Theo thống kê trung bình mỗi năm, nước ta phải đón khoảng 10 cơn bão/ Ảnh minh họa/TTXVN.

Ngoài ra, các ngành, các địa phương cần nhanh chóng triển khai và hoàn thành tốt các công việc chuẩn bị cho phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lũ, ngập lụt. Xây dựng phương án di dời dân cư ở những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất khi gặp mưa lớn; sơ tán nhân dân vùng ven biển thuộc khu vực bão có khả năng đổ bộ vào. Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” ở các cấp, cơ sở thôn, xóm, làng, bản; đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra “hậu cần tại chỗ” đối với các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt bị lũ chia cắt để không có người bị đói, rét khi gặp thiên tai. Các tỉnh ven biển tăng cường công tác quản lý tàu, thuyền, đăng kiểm an toàn hàng hải đối với phương tiện khai thác hải sản, nhất là phương tiện thông tin liên lạc để nắm bắt, theo dõi bão và ứng phó hợp lý, kịp thời. Các tàu đánh cá xa bờ nên tổ chức theo tổ, đội để bảo vệ, hỗ trợ nhau trên biển khi gặp sự cố rủi ro, hoặc tai nạn do bão, lốc gây ra...

Thiên tai là điều không ai mong muốn, nhưng đó là sự vận động của tự nhiên, mong rằng, mỗi người dân, mỗi địa phương, các ban, bộ, ngành cần biết và chủ động đề phòng, đồng thời biết cách sống chung với thiên tai thì sẽ giảm được thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Theo qdnd.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: