Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nắng nóng, mưa đá, xâm nhập mặn

Đăng ngày: 03-04-2023 | Lượt xem: 1149
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, nắng nóng, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, xâm nhập mặn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, ngày 3/4, khu vực vùng núi từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Vùng ven biển Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên và phía Tây Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ, nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1.

Về tình hình xâm nhập mặn khu vực Nam bộ, khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai, độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông khoảng 50-55km. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Tiền, sông Hậu từ 35-45km.

Dự báo, từ nay đến 10/4/2023, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần, đạt mức cao nhất vào giữa tuần, sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức tương đương độ mặn cao nhất tháng 4/2022. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn: Cấp 1-2.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, nắng nóng, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, xâm nhập mặn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: