Chủ động ứng phó, hành động quyết liệt, thiệt hại do thiên tai giảm mạnh

Đăng ngày: 20-05-2020 | Lượt xem: 1121
Dù thời tiết mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường, nhưng nhờ có sự chủ động ứng phó, hành động quyết liệt từ cơ quan trung ương tới địa phương nên thiệt hại về người và kinh tế do thiên tai trong năm vừa qua giảm xuống mức thấp.

Giảm 65% thiệt hại về kinh kế 

Theo báo cáo tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2019, triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Bộ NN-PTNT, năm 2019, thiên tai không dồn dập, khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền. Cụ thể, có 8 cơn bão và 4 ATNĐ; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 04 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực,…

Một số trận thiên tai cực đoan điển hình như mưa lớn sau hoàn lưu bão số 3 đã quét sạch toàn bộ bản Sa Ná (huyện Quan Thanh Hoá); mưa lớn lịch sử tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và tại thành phố Vinh (Nghệ An) gây ngập lụt nghiêm trọng, bất thường tại các khu vực trên.

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, công tác phòng chống thiên tai đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Công tác truyền thông về phòng chống thiên tai cũng được chú trọng với nhiều hình thức phong phú qua báo, đài, mạng xã hội, các cuộc thi trong trường học,... góp phần nâng cao nhận thức cũng như cung cấp thông tin nhanh chóng đến cộng đồng. Điển hình, trận bão số 5 nhà nước đã triển khai nhắn tin đến trên 7,7 triệu thuê bao di động để người dân chủ động ứng phó.

Chủ động ứng phó, hành động quyết liệt, thiệt hại do thiên tai giảm mạnh
Nhờ chủ động triển khai cùng hành động quyết liệt của cơ quan trung ương và địa phương nên thiệt hại về người và kinh tế do thiên tai năm 2019 giảm mạnh

Bên cạnh đó, các địa phương luôn chủ động triển khai, hành động quyết liệt đến cơ sở trong ứng phó với các đợt thiên tai lớn; lực lượng vũ trang đã phát huy vai trò quan trọng chủ công trong công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tổ chức kêu gọi, thông báo cho hơn 2 triệu lao động trên 500.000 lượt tàu thuyền tránh trú bão tổ chức sơ tán hơn 18.000 hộ dân trong các tình huống thiên tai đến nơi an toàn.

Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, công tác PCTT đã đi vào chiều sâu, bám sát yêu cầu thực tiễn, công tác dự báo, cảnh báo, chỉ đạo điều hành đã có những tiến bộ tích cực, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt năm 2019, không có thiệt hại về người trên biển trực tiếp do bão gây ra.

Nhờ đó, thiệt hại do thiên tai năm 2019 đã được giảm thiểu so với những năm trước đây. Cụ thể, 133 người chết và mất tích (giảm 40% so với năm 2018 là 224 người); tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng (giảm 65% so với năm 2018 là 20.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, từ đầu năm đến nay nhiều đợt thiên tai bất thường, nguy hiểm đã xảy ra.

“Chưa bao giờ ngày 30, mùng 1 Tết lại xuất hiện dông lốc, sét, mưa đá và 104 trận liên tiếp sau đó tại 31 tỉnh thành phố, kể cả ở những địa phương chưa từng xuất hiện; những ngày cuối tháng 4 tại Hà Nội rét nàng Bân đã khiến nhiệt độ xuống đến 16,5 độ, thấp nhất trong 50 năm gần đây và ngay sau đó là nắng nóng. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Rút kinh nghiệm thực tế để chủ động hơn trong phòng chống thiên tai

Trên cơ sở nhận định tình hình thiên tai, rút kinh nghiệm từ thực tế chỉ đạo, điều hành thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo:

Trong năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Bộ NN-PTNT cần chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo, tổ chức xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cấp xã với nòng cốt là dân quân tự vệ thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong PCTT và xây dựng cộng đồng an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới; đảm bảo hoàn thành trong năm 2020.

Đồng thời tăng cường rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình PCTT, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu trong mưa bão năm 2020; đồng thời đề xuất trong đầu tư công trung hạn 2021-2025 để xử lý dứt điểm. Sẵn sàng phương án vận hành các hồ chứa lớn, hệ thống công trình tưới tiêu, không để bị động, bất ngờ. Tổ chức theo dõi công tác khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai;

Bên cạnh đó phải khẩn trương xây dựng trung tâm điều hành PCTT quốc gia và cấp vùng đa chức năng, sớm đưa vào khai thác, sử dụng.Tổ chức diễn tập ứng phó với lũ lớn trên hệ thống sông Hồng; đồng thời hướng dẫn cơ quan PCTT các cấp diễn tập phù hợp với quy mô, đặc điểm thiên tai vùng miền, thiết thực, hiệu quả.

Ngoài ra, cần tăng cường chỉ đạo lắp đặt thiết bị theo dõi giám sát tàu cá, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền trú tránh bão, ATNĐ trên biển.

Triển khai các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, mô phỏng các loại hình thiên tai lớn thường xuyên xảy ra, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.Thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng các vùng hạn mặn, ngập úng, điều chuyển mùa vụ phù hợp với diễn biến thiên tai.

Ban hành bộ chỉ số “đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh” theo kế hoạch. Tăng cường cơ sỡ vật chất, trang thiết bị, hoàn thành kết nối trực tuyến giữa cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo với Ban chỉ huy các tỉnh, thành phố để phục vụ hoạt động chỉ đạo ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả trong năm 2020.

Đôn đốc tiến độ các dự án khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở bờ sông, bờ biển, di dời dân khẩn cấp đã được bố trí kinh phí hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018, 2019…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn(Bộ Quốc phòng) cần hoàn thiện kịch bản, phương án huy động lực lượng, phương tiện ứng phó thiên tai, sự cố, đặc biệt là ứng phó các tình huống thiên tai, sự cố lớn. bổ sung phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng, địa phương để nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn.

Tổ chức diễn tập, huấn luyện, tập huấn chuyên môn vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại một số ngành, địa phương theo kế hoạch.Sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương và nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Các Bộ ngành khác cần chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Còn chính quyền các cấp ở địa phươngphải có kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai; khẩn trương kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tập trung xây dựng các đội xung kích phòng chống thiên tai ở cấp xã tại các khu vực.

Song song với việc khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai những tháng đầu năm 2020, cần triển khai rà soát các phương án, chủ động ứng phó với bão muộn tập trung khu vực Nam Trung Bộ, Nam Bộ và mưa, lũ lớn vào thời kỳ cuối năm.

Quản lý chặt chẽ, triển khai thực hiện kế hoạch thu, chi Quỹ phòng chống thiên tai, bảo đảm thu đúng, thu đủ, sử dụng hiệu quả cho công tác phòng, chống thiên tai.

Theo vietnamnet.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: