Chủ động ứng phó thời tiết nguy hiểm ở Nam Bộ

Đăng ngày: 15-04-2021 | Lượt xem: 1599
Ngày 14-4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai (PCTT) ban hành Văn bản số 165/VPTT gửi Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ về việc chủ động ứng phó thời tiết nguy hiểm. Theo đó, yêu cầu triển khai theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại do các hiện tượng thời tiết xấu, nhất là dông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ. Các tỉnh, thành phố sẵn sàng phương án phòng, chống ngập úng, nhất là khu vực đô thị và khu dân cư tập trung; tăng cường c
Bờ biển Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (thị xã Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: MỸ HOA
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hiện nay ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang nén và đẩy rãnh áp thấp dịch dần xuống phía nam. Dự báo, chiều tối và đêm nay (15-4), ở Bắc Bộ có mưa rào và dông cục bộ; từ ngày 16 đến 17-4, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông nhiều nơi; cục bộ có mưa to đến rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 16-4, ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển lạnh, vùng núi có nơi chuyển rét.

* Theo nhận định của cơ quan khí tượng quốc gia, trong các tháng chuyển mùa (từ tháng 4 đến tháng 6-2021), thời tiết tại các khu vực trên cả nước có xu thế mưa nắng đan xen, trưa chiều trời nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ngoài ra, trong năm 2021, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, nắng nóng không gay gắt và kéo dài như trong năm 2020. Tuy nhiên, vẫn có khả năng sẽ xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt mức xấp xỉ 41- 42oC.

* Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều hồ thủy lợi bị cạn, mực nước các sông Hồng, Ðà, Ðáy tiếp tục xuống thấp, có nguy cơ ảnh hưởng tới hàng nghìn héc-ta lúa đông xuân. Trước tình trạng này, ngành nông nghiệp thành phố đang phối hợp các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp cấp nước, bảo đảm đủ nước tưới dưỡng cho lúa, không để xảy ra khô hạn. Từ nay đến tháng 5-2021 không xuất hiện các trận mưa lớn thì nhiều khả năng sẽ có 5.895 ha lúa đông xuân thuộc các huyện Mỹ Ðức, Thanh Oai, Chương Mỹ; 2.130 ha lúa đông xuân thuộc các huyện Sóc Sơn, Ðông Anh, Mê Linh... bị thiếu nước.

* Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), từ cuối tháng 3 đến nay, nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào bể hút của Trạm bơm điện 19-5; với nồng độ liên tục tăng, vượt mức quy định, cho nên trạm bơm này chỉ vận hành từ 30 - 40% công suất. Do vậy, toàn bộ 350 ha lúa đông xuân của hai xã Duy Phước và Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) cùng 25 ha đất sản xuất của xã Cẩm Kim (TP Hội An) đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới.

* Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 253 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài 217.229 m. Mức độ sạt lở bình quân theo chiều ngang từ 5 - 10 m, có những nơi lên đến hơn 30 m, phần lớn ở các huyện ven biển và các sông lớn như Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ và Trà Câu. Ðể hạn chế mức độ sạt lở, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa có văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí xử lý sạt lở cho 40 vị trí (giai đoạn 2021 - 2025), với tổng chiều dài 30.600 m, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng.

* UBND tỉnh Trà Vinh vừa công bố tình trạng sạt lở đoạn đê Tả Hữu sông Cổ Chiên, với tổng chiều dài 200 m thuộc ấp Rạch Giồng, xã Long Hòa, huyện Châu Thành và chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục. Theo đó, UBND huyện cắm biển cảnh báo tình trạng sạt lở tại khu vực này, thông báo để người dân chủ động phòng tránh. Ðịa phương theo dõi sát diễn biến sạt lở, chuẩn bị phương án ứng cứu, hỗ trợ người dân di dời khi sạt lở xảy ra...

* Sau cơn mưa lớn sáng 14-4, một hố sụt kích thước 2 x 3 m, sâu khoảng 1 m đã xuất hiện trên đường Kha Vạn Cân, phường Linh Ðông, TP Thủ Ðức (TP Hồ Chí Minh). Hiện chính quyền địa phương đã rào chắn quanh hố sụt, không để người và phương tiện qua lại khu vực này.

* TP Hà Nội vừa hoàn thành kế hoạch rà soát công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Theo đó, đã xác định được 33 xã trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Thành phố yêu cầu Chi cục Kiểm lâm và các địa phương có rừng tăng cường công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là tại các xã trọng điểm; tổ chức hướng dẫn chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy khi xảy ra cháy rừng và tổ chức chữa cháy theo phương châm "4 tại chỗ".

* Hiện nay, do nắng nóng kéo dài, đặc biệt, tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh An Giang đang là cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), cho nên nguy cơ xảy ra cháy, cháy rừng rất cao. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, các địa phương có rừng khẩn trương tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng trong nhân dân; khuyến cáo người dân phòng tránh các nguyên nhân gây ra cháy rừng do đốt lửa bắt ong, bất cẩn trong sử dụng lửa, phát hoang dọn rẫy, đốt nhang, giấy tiền vàng mã... trong rừng và ven rừng.

Theo Báo Nhân dân

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: