Chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn

Đăng ngày: 24-09-2020 | Lượt xem: 1703
Chiều 23/9, tại Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các địa phương đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021. Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta cần nhận thức hạn hán, xâm nhập mặn là vấn đề không thể tránh, chỉ có thể hạn chế. Bên cạnh nguy cơ cũng xuất hiện những thời cơ nếu biết ứng phó, thích nghi. “Phải có quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL để có tầm nhìn dài hạn hơn chứ không phải nóng đâu phủi đó, đối phó từng năm” - Thủ tướng phát biểu.

Nhấn mạnh quan điểm “thuận thiên” trong Nghị quyết 120, Thủ tướng cho rằng chúng ta cần sống, sinh hoạt, thích nghi với điều kiện và môi trường mới. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2020. Trong đó, lưu ý các vấn đề mới của thời đại nhưng đồng thời nghiêm túc kế thừa nhiều nghiên cứu rất sâu sắc về ĐBSCL trước đây, từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Thủ tướng quán triệt tinh thần không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt; bảo đảm sản xuất trong tình hình mới, giữ được cả sản lượng nông nghiệp, cả lương thực xuất khẩu, cả trái cây và thủy sản tại ĐBSCL, khu vực sản lượng nông nghiệp chiếm trên 50%, lương thực xuất khẩu trên 90%, cây ăn trái và thủy sản 70% cả nước.

Về các biện pháp trước mắt, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục làm tốt công tác truyền thông đến từng hộ gia đình về nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô để người dân chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp.

Phát huy tinh thần “bốn tại chỗ”, bắt đầu “từ người dân, từ cơ sở là chính”. Mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ vườn cần chủ động trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, “tự lo cho mình trước”. Nhà nước tập trung chăm lo, hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, giám sát, tổ chức dự báo chuyên ngành về xâm nhập mặn để phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp...

Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp xử lý nguồn nước nhằm bảo đảm cho người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh để phòng, tránh phát sinh dịch bệnh do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các địa phương trong vùng không được phép chủ quan, cần theo dõi chặt chẽ, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó khi có lũ theo cấp báo động. Khi có lũ về, phải đảm bảo an toàn tính mạng và hạn chế thiệt hại tài sản cho người dân. Thủ tướng cũng yêu cầu cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể, khoa học, làm cơ sở đề ra và triển khai đồng bộ các biện pháp cả trước mắt và lâu dài.

Bộ TN&MT, Ủy ban sông Mekong Việt Nam cần đẩy nhanh nghiên cứu đánh giá tác động của thủy điện, cũng như việc tăng cường sử dụng nước tại các nước thượng nguồn Mekong đến ĐBSCL để có các giải pháp ứng phó phù hợp.

Các địa phương tập trung rà soát lại phương án sản xuất nông nghiệp, trong đó cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; chủ động kiểm soát mặn, trữ nước ngọt.

Các bộ và địa phương cần nghiên cứu để có các chính sách phù hợp hỗ trợ các hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn xây bể trữ nước cho sinh hoạt.

Về các kiến nghị, Thủ tướng nhất trí việc ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để đầu tư công trình thủy lợi nhằm chủ động sản xuất thích ứng với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo baodongthap.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: