Chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ trên biển Đông

Đăng ngày: 08-08-2022 | Lượt xem: 627
Ngày 8/8/2022, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai có văn bản số 416/VPTT gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ trên biển Đông

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 07h00 ngày 08/8, vị trí tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,0-17,0 độ Vĩ Bắc; 111,0-112,0 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Bắc mỗi giờ đi được 5km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới; đến 07h00 ngày 09/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8; rủi ro thiên tai do vùng áp thấp: cấp 3.

 Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Theo dõi chặt chẽ thông tin vùng áp thấp trên biển Đông và diễn biến thời tiết trên biển; kịp thời nắm bắt số lượng các phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm và thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện biết để chủ động phòng tránh; đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp, duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (có gió cấp 6, giật cấp 8) được xác định: từ vĩ tuyến 15,5 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

2. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

3. Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thành phố quan tâm tổ chức thực hiện./.

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: