Công điện ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh Miền Trung

Đăng ngày: 20-10-2023 | Lượt xem: 1066
Bộ Y tế phát đi Công điện số 1348 do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký về việc triển khai công tác y tế ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh Miền Trung.
Nước sông Hương qua Đập Đá tại trung tâm TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) bắt đầu tràn vào 10h sáng 18/10. (Ảnh: Hue-S).

Nước sông Hương qua Đập Đá tại trung tâm TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) bắt đầu tràn vào 10h sáng 18/10. (Ảnh: Hue-S).

Bộ Y tế phát đi Công điện số 1348/CĐ-BYT do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung; Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Trung về việc triển khai công tác y tế ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh Miền Trung.

Nội dung Công điện nêu rõ: Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 13/10 đến 15/10, khu vực các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Nam có mưa rất to.

Đặc biệt từ 19h ngày 10/10 đến 7h ngày 15/10 tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam lượng mưa từ 400 - 600mm, có nơi trên 1.000mm; từ Hà Tĩnh - Quảng Trị lượng mưa từ 200 - 400mm; mực nước các sông dâng cao lên mức báo động 2 - báo động 3, các sông nhỏ lên trên báo động 3.

Mưa lớn đã gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, ách tắc giao thông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.

Theo dự báo, từ ngày 17 - 18/10 mưa có xu hướng mở rộng lên phía Bắc; khu vực từ Nghệ An đến Bình Định tiếp tục có mưa lớn, lượng mưa từ 100 - 200mm, có nơi trên 400mm.

Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung; Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Trung khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:

1. Thực hiện nghiêm Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023 của Thủ tướng chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Bộ Y tế, chủ động ứng phó mưa lũ, sẵn sàng triển khai công tác bảo đảm y tế ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

2. Theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động công tác phòng, chống. Rà soát kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của đơn vị đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.

3. Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ; chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.

4. Tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, sắp xếp, ổn định các cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân sau mưa lũ.

5. Báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại, nhu cầu, khả năng bảo đảm của địa phương và đề xuất hỗ trợ khi vượt quá khả năng bảo đảm của địa phương về Bộ Y tế (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh khu vực miền Trung và các đơn vị có liên quan khẩn trương, phối hợp tổ chức triển khai nhiệm vụ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế (email: phongchongthientai@moh.gov.vn, ĐT: 0913431927).

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cong-dien-ung-pho-voi-mua-lu-tai-cac-tinh-mien-trung-post658149.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: