Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ xây dựng các phương án ứng phó thiên tai

Đăng ngày: 26-09-2022 | Lượt xem: 1678
Khu vực Trung Trung Bộ là địa phương hầu như quanh năm chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, gây thiệt hại lớn về tài sản và thậm chí đến cả tính mạng con người. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ luôn luôn chủ động, sẵn sàng xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó khi có thiên tai xảy ra.

Những năm gần đây, do tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường. Bão, ATNĐ, mưa- lũ lớn, lốc, sét, nắng nóng, rét hại, hạn hán,... xảy ra với tần xuất nhiều và khốc liệt hơn, đã tác động mạnh, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, sản xuất của người dân. Có những năm nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ tối cao ở mức kỷ lục như năm 2015, 2019, có những năm mưa rất lớn nhiều ngày liên tiếp gây lũ chồng lũ trên các sông, ngập lụt sâu trên địa bàn toàn khu vực như năm 2007, 2010, 2016 và 2020. Ngược lại có năm hạn hán thiếu nước trầm trọng như năm 2015, 2018. Nhiều cơn bão lớn, siêu bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực trong những năm qua như: Cơn bão số 6 (XANGSANE) năm 2006 đổ bộ vào Đà Nẵng đã gây tổn thất nặng nề về người và tài sản cho nhiều địa phương ở miền Trung; bão số 9 (KETSANA) năm 2009 đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; bão số 9 (MOLAVE) năm 2020 đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Bão Noru hình thành từ một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong ngày 22/9, tiếp tục mạnh lên thành bão vào 23/9. Sáng sớm nay (26/9), Bão Noru đã vượt qua đảo Luzon của Philippines tiến vào Biển Đông, trở thành bão số 4. Dự báo bão di chuyển rất nhanh, tiếp tục mạnh thêm trước khi tiến về các tỉnh miền Trung, gây mưa dông, gió giật mạnh từ đêm mai (27/9). Đây là cơn bão khá dị thường khi di chuyển thần tốc, tăng cấp rất nhanh. Bão Noru được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung Bộ.

Chủ động phòng tránh thiên tai

Để hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ chủ động trong công tác Chủ động ứng phó thiên tai. Đài tổ chức theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Phòng tránh là chính - cứu nạn, khắc phục khẩn trương kịp thời, hiệu quả.

Để chuẩn bị tốt nhiệm vụ ứng phó với thiên tai, đảm bảo các nhiệm vụ của Đài KV được thực hiện đầy đủ, đáp ứng tốt cho địa phương trong công tác chỉ huy, chỉ đạo đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động, rủi ro do thiên tai đến cơ sở vật chất, công trình, phương tiện, công nghệ quan trắc, dự báo, Đài đã thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch sau: Đài đã thành lập Ban chỉ huy PCTT của Đài KV và các phân ban chỉ huy tại Đài tỉnh. Xây dựng phương án ứng phó theo các cấp độ rủi ro thiên tai của Đài KV, các đơn vị trực thuộc và các trạm KTTV. Kiểm tra mạng lưới tại các trạm KTTV thuộc các Đài tỉnh, các trạm KTTV trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc chuyên ngành trong toàn khu vực; hệ thống dự báo tại Phòng Dự báo KTTV, 5 Đài tỉnh và 02 trạm ra đa thời tiết trong tháng 6-7/2022.

Đài đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng công trình, phương tiện đo, truyền tin theo định kỳ. Khắc phục, sửa chữa, thay thế kịp thời ngay sau khi phát hiện sự cố.

Đài đã phối hợp và làm việc với Đoàn kiểm tra công tác PCTT năm 2022 của Tổng cục KTTV và chỉ đạo các đơn vị khắc phục các tồn tại theo yêu cầu của các Đoàn kiểm tra. Đồng thời tổ chức diễn tập về quan trắc, truyền tin, dự báo trong tình huống có bão, mưa- lũ lớn trong toàn Đài khu vực.

Đài thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trong công tác quan trắc, dự báo phục vụ kịp thời, đầy đủ về thông tin dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai cho địa phương. Thực hiện đúng, đầy đủ về quy trình kỹ thuật dự báo, cung cấp thông tin theo các quy định hiện hành. Chuẩn bị các phương án sẵn sàng tăng cường chế độ quan trắc, tần suất cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo và chi tiết hoá thông tin dự báo theo nhu cầu, đảm bảo hiệu quả phục vụ cao nhất cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn tại địa phương.

Ứng phó theo các cấp độ rủi ro thiên tai

Trước khi có thiên tai, các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ:

+ Kiểm tra toàn diện thực trạng hệ thống hạ tầng: Trụ sở, công trình, máy móc thiết bị. Đánh giá các tình huống rủi ro có thể xảy ra do thiên tai gây ra tại đơn vị, mức độ có thể hư hỏng của từng loại công trình, thiết bị, máy móc,...;

+ Đánh giá khả năng ứng phó hiện có, lên phương án về nhân lực thực hiện nhiệm vụ phòng chống và xử lý sự cố;

+ Chuẩn bị các phương tiện, vật tư cần thiết, gia cố công trình, trụ sở,...

+ Kiểm tra thực tế về nguyên liệu, nhiên liệu, tiến hành mua sắm bổ sung (nếu cần thiết); chuẩn bị nhu yếu phẩm, lượng thực, thực phẩm, thuốc men đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo phương châm 4 tại chỗ.

+ Chỉ đạo CBVC thực hiện các biện pháp phòng chống tại gia đình (gia cố nhà cửa, phương án di dời) để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ của đơn vị, hạn chế tối đa sự tác động bởi các sự cố tại gia đình đến công việc.

+ Tổ chức di dời phòng làm việc của các đơn vị có nguy cơ rủi ro bị phá huỷ do gió mạnh, ngập do lũ dâng cao đến vị trí an toàn hơn theo phương án di dời của từng đơn vị

Đài đã xây dựng các kịch bản rủi ro tương ứng với cấp độ rủi ro và đưa ra các phươn án ứng phó

Cấp độ rủi to

Kịch bản rủi ro

Phương án ứng phó

Cấp 3: Gió cấp 6-11 (ATNĐ, bão)

1. Mất điện

2. Mất intenet

3. Mất điện thoại

4. Mất số liệu quan trắc

1. Chạy điện máy nổ, liên hệ với điện lực Đà Nẵng để khắc phục.

2. Phương án (PA) 1: Triển khai phương án sử dụng mạng dự phòng; PA2: điện thoại, 4G.

3. PA1: Sử dụng Internet; PA2: Dùng vô tuyến điện (Icom, Kenwwod) để trao đổi thông tin nội bộ và cung cấp thông tin thiên tai cho Ban chỉ huy PCTT địa phương.

4. Tìm hiểu nguyên nhân, khắc phục tại chỗ. Trong thời gian chưa có số liệu thực hiện theo phương án dự báo của Phòng dự báo.

Cấp 4: Gió cấp 12-15 (bão rất mạnh)

1. Các kịch bản tương tự như cấp độ rủi ro 3.

2. Hệ thống cửa làm việc bị vỡ

1. Tương tự như kịch bản trên.

2. Nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn là các phòng ở phía khuất gió. Trong điều kiện có thể thì di dời máy móc, thiết bị chuyên môn để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, nhưng phải đảm bảo an toàn con người. Phát hiện nguy cơ mất an toàn đối với CBVC, phải lập tức liên hệ, thông báo cho các lực lượng cứu hộ, cứu nạn thành phố, quận Hải Châu,...

Cấp 5: Gió cấp ≥ 16 (siêu bão)

1. Các kịch bản tương tự theo cấp độ rủi ro 4

2. Hệ thống cửa bị phá huỷ

1. Tương tự như cấp độ rủi ro 4

2. Các đơn vị làm việc đã được di dời đến nơi an toàn nhất tiếp tục thực hiện các biện pháp gia cố, trú ẩn đảm bảo an toàn về người. Tìm cách liên hệ với lực lượng PCTT địa phương để được hỗ trợ (thành phố, quận, phường,...).

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: