Đảm bảo an toàn hồ, đập trước mùa mưa bão

Đăng ngày: 29-05-2020 | Lượt xem: 2203
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 198 công trình đập, hồ chứa nước; trong đó, có 36 đập, hồ chứa nước có dung tích lớn, còn lại là các đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ. Ngoài cung cấp nước phục vụ sản xuất, các công trình này còn có nhiệm vụ điều tiết nước, cắt lũ, giảm ngập úng cục bộ cho vùng hạ lưu trong mùa mưa bão.

Đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra mực nước tại hồ Gò Miếu, xã Ký Phú (Đại Từ). Ảnh: baothainguyen.vn

Qua kiểm tra đánh giá của Chi Cục thủy lợi tỉnh Thái Nguyên, đã có 28 hồ, đập bị thấm; trong đó, thấm nặng 12 đập; 30 đập bị sạt lở, trượt mái thượng, hạ lưu; 3 đập bị nứt thân đập. Một số đập bị hư hỏng nặng cần lưu ý trong mùa mưa lũ, gồm: hồ Nà Tấc, Đồng Tâm, Suối Diễu, Kim Cương, Hố Chuối, Khuôn Nanh, Đầm Chiễu, Thâm Quang, La Đuốc, Làng U, Núi Mủn, Làng Lê. Ngoài ra, hàng chục tràn xả lũ, van, cống lấy nước bị hư hỏng chưa được gia cố.

Nguyên nhân được xác định công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi còn nhiều yếu kém, công trình không được kiểm tra thường xuyên, phát hiện sớm các hư hỏng, không đưa ra được phương án xử lý ban đầu. Ngoài ra, nhiều công trình được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng từ lâu, đến nay đã bị hư hỏng, xuống cấp…

Tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp, các địa phương chưa bố trí được nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa, nâng cấp kịp thời,  gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Các công trình chưa thực hiện việc đảm bảo an toàn công trình theo đúng quy định của Luật Thủy lợi như: phương án bảo vệ công trình thủy lợi, xây dựng quy trình vận hành, kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước, phương án ứng phó thiên tai và ứng phó với tình huống khẩn cấp…

Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Thái Nguyên, để kịp thời duy tu, nâng cấp các công trình xuống cấp, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão Chi Cục thủy lợi đã kiến nghị cấp trên bố trí kinh phí kịp thời để duy tu, sửa chữa nâng cấp các công trình đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp. Cùng đó, lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, hệ thống giám sát vận hành, lắp đặt thiết bị và quan trắc công trình, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn hạ du, đảm bảo an toàn công trình cũng như công tác quản lý, vận hành.

Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị được giao quản lý, khai thác các công trình hồ, đập trên địa bàn tỉnh đã hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai năm 2020. Chi cục cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, xây dựng phương án ứng phó với nhiều kịch bản sự cố và tổ chức kiểm tra, theo dõi sát các công trình nhằm kịp thời xử lý những hạng mục có thể gây mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Mặt khác, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2020.

Theo đó, các đơn vị chuyên môn tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi khẩn trương thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật; kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị cũng rà soát phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập; thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đánh giá tổng thể thực trạng an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang thi công xây dựng công trình đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn.

UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị được tỉnh giao quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh bố trí lực lượng đảm bảo đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi. Đồng thời, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn chuyên dùng; tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn công trình được giao quản lý; quyết định việc tích nước đối với các đập, hồ chứa nước thuộc trách nhiệm quản lý được giao.

Đối với đập, hồ chứa nước có cửa van điều tiết lũ, phải quan trắc 4 lần một ngày và tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành hồ chứa chống lũ an toàn; cập nhật thông tin vận hành hồ chứa tối thiểu 2 lần/ngày khi không có mưa, lũ và 4 lần/ngày khi có mưa, lũ lên trang điện tử thu thập thông tin điều hành hệ thống thủy lợi của Tổng cục Thủy lợi. Vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước và bố trí đủ thiết bị dự phòng bảo đảm vận hành công trình trong mọi tình huống.

Theo baotintuc.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: