Đảm bảo an toàn trước thiên tai

Đăng ngày: 07-06-2021 | Lượt xem: 1322
(Baothanhhoa.vn) - Thiên tai ngày càng khốc liệt và mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra thì ngày càng khủng khiếp hơn. Sau những trận lũ, bão gần đây, người dân ở nhiều địa phương, trong đó có người dân tại một số địa bàn vùng núi, ven sông, suối ở Thanh Hóa đang rất cần cơ quan chức năng có giải pháp căn cơ, nguồn lực đầu tư lớn hơn, để dự báo sớm, chủ động ứng phó, xây dựng những cộng đồng dân cư an toàn trước thiên tai.

(Ảnh minh họa)

Cùng với đó, một vấn đề khẩn thiết nữa cũng đặt ra đó là sự chủ động ứng phó của các cộng đồng dân cư trước nguy cơ thiên tai. Không thể vì tập quán, lối sống, địa bàn canh tác hoặc những lý do khác, mà người dân bỏ qua các cảnh báo, nguy cơ của thiên tai. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, tính chủ động của người dân sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra những khu dân cư an toàn hơn trước sự đe dọa và tàn phá của thiên tai.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 mới đây, rất nhiều nguy cơ về thiên tai đã được nhận diện, đề cập. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang, cho biết chưa năm nào Thanh Hóa không chịu ảnh hưởng của thiên tai, mỗi năm đều có thiệt hại về người và hàng nghìn tỷ đồng tài sản. Trong số các loại thiên tai, Thanh Hóa đều đã phải nếm trải và gánh chịu hậu quả, trừ sóng thần.

Trước nguy cơ thiên tai ngày càng gay gắt và diễn biến phức tạp, yêu cầu bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân vì thế càng trở nên cấp bách. Nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cấp, chính quyền và cơ quan chức năng càng phải quyết tâm cao hơn để hạn chế thấp nhất thiệt hại từ thiên tai.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đánh giá, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền một số địa phương vẫn chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng, tính phức tạp và sự nguy hiểm của thiên tai. Vai trò của các đoàn thể và cộng đồng dân cư, đặc biệt là lực lượng xung kích cơ sở chưa được phát huy đầy đủ. Vì thế đặt ra yêu cầu cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới là cần phải được quan tâm toàn diện hơn. Các địa phương phải chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó cho những tình huống khẩn cấp, nhất là vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh vừa cảnh giác, đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Ứng phó với mùa mưa, bão và các khả năng thiên tai, thời tiết cực đoan có thể xảy ra trong năm 2021, Thanh Hóa đã khảo sát, xác định được 33 trọng điểm đê điều xung yếu và 93 hồ chứa không an toàn, để lên phương án ứng phó cụ thể cho từng công trình. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo di dời toàn bộ bản Co Me - một địa bàn xung yếu có nguy cơ cao ở huyện Quan Hóa để tránh sạt lở đất. Cùng với đó tỉnh đã xây dựng Đề án di dời người dân sinh sống ở các vùng núi cao, ven sông suối có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn...

Sau những mất mát do thiên tai, nhất là hậu quả của lũ quét và sạt lở đất trong mấy năm gần đây, yêu cầu này là rất cấp bách, đòi hỏi sự khẩn trương, trách nhiệm của cả cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương và nhà thầu thi công các công trình. Vừa chủ động nguồn kinh phí vừa phải đấu mối, đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, để chúng ta có thể triển khai kịp thời các phần việc đã đề ra, sớm bịt lại các đoạn đê xung yếu, di dời những khu dân cư không an toàn ra khỏi khu vực có thể bị lũ quét.

Để an toàn trước thiên tai, chúng ta không còn cách nào khác đó là phải có bước đi chủ động trước thiên tai, cả Nhà nước và người dân cùng đồng hành vào cuộc. Nhiệm vụ càng khẩn trương, cấp bách, càng đòi hỏi trách nhiệm cao hơn, nhất là với những người đứng đầu.

Theo Báo Thanh Hóa

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: