El Nino có khả năng quay lại vào cuối năm

Đăng ngày: 10-07-2018 | Lượt xem: 1055
Nhận định về tình hình thời tiết 6 tháng cuối năm 2018, TS Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tượng El Nino có khả năng xuất hiện từ tháng 10 với xác suất 50 - 60%, gây nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn cho khu vực phía Nam nước ta trong mùa khô tới.

TS Hoàng ĐỨc Cường

TS Hoàng Đức Cường thông tin tình hình thời tiết 6 tháng cuối năm tại Hội nghị sơ kết 6 tháng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT

TS Hoàng Đức Cường cho biết, hiện tại, ENSO đang ở trạng thái trung gian và có xu hướng chuyển từ pha lạnh đến pha nóng. Theo các kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới, ENSO sẽ duy trì trạng thái trung gian từ nay cho tới tháng 9/2018 và từ tháng 10 có xu hướng chuyển dần sang trạng thái El Nino.

Từ tháng 4 đến đầu tháng 7, tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ đã xảy ra 5 đợt nắng nóng vào các ngày 7-8/5, 15-18/5, 25-27/5, 7-12/6 và 30/6 đến 6/7/2018. Trong đó đáng chú ý là đợt nắng nóng cuối tháng 6 đầu tháng 7 được đánh giá là gay gắt nhất từ đầu năm đến nay, với nhiệt độ phổ biến từ 37-39 độ, một số nơi vượt ngưỡng 39 độ C như Láng (Hà Nội): 39,8 độ C, Sơn Tây (Hà Nội) 40,0oC , Phủ Lý (Hà Nam): 40,5oC, Nho Quan (Ninh Bình): 41,0 độ C,  Chi Nê (Hòa Bình) 40,3oC, Tĩnh Gia (Thanh Hóa): 41,5 độ C, Tây Hiếu (Nghệ An): 40,5 độ C.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, nhiệt độ trung bình trong 6 tháng cuối năm trên toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN, riêng các tỉnh miền Bắc tháng 11 và tháng 12/2018 có xu hướng cao hơn 0,5 - 1,0oC so với TBNN. Nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vẫn còn có khả năng xuất hiện trong tháng 7 và tháng 8, nhưng không gay gắt và không kéo dài.

Dự báo số lượng bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông có khả năng tương đương so với TBNN (tổng cộng cả năm khoảng 12-13 cơn) và 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền đến đất liền nước ta, ít hơn so với TBNN (5-6 cơn). Xu thế chung là bão/ATNĐ hoạt động nhiều nhưng yếu ở Bắc Biển Đông vào đầu mùa, ít nhưng mạnh vào nửa cuối mùa. Số lượng và cường độ đều không bằng năm 2016 và 2017.

Các đợt mưa lớn Ở Bắc Bộ tập trung trong tháng 7 và tháng 8. Mùa mưa có khả năng kết thúc sớm hơn TBNN. Khoảng thời gian còn lại, lượng mưa thấp hơn TBNN và vẫn có thể xuất hiện các đợt mưa lớn trái mùa.

Đỉnh lũ lớn nhất năm ở các sông thượng lưu hệ thống sông Hồng có khả năng ở mức BĐ2- BĐ3, thấp hơn năm 2017; trên sông Thái Bình ở mức BĐ1- BĐ2, cao hơn năm 2017. Trên các sông suối nhỏ, đỉnh lũ có khả năng vượt mức BĐ3. Mực nước đỉnh lũ năm hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội thấp hơn BĐ1; hạ lưu sông Thái Bình ở mức BĐ1.

Trung Bộ có tổng lượng mưa ở mức TBNN đến tháng 9/2018, sau đó có xu thế giảm hơn so với TBNN từ tháng 10 - 12. Lượng mưa trong cao điểm mùa lũ ở Trung Bộ sẽ thấp hơn so với các năm 2016, 2017.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có tổng lượng mưa tháng 7 – 9 cao hơn TBNN, trong khi từ tháng 10 – 12 sẽ thấp hơn TBNN và cũng có khả năng kết thúc mùa mưa sớm.

Mùa lũ trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phù hợp quy luật hàng năm. Đỉnh lũ năm 2018, ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ2 và trên BĐ2, thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10/2018.

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia lưu ý,những tháng cuối năm 2018, các vùng biển phía Bắc thường có sóng lớn do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Tại các tỉnh, thành phố ven biển miền Đông Nam Bộ, trong tháng 12/2018 xuất hiện ngập lụt trong khu vực đô thị do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với nước dâng do gió mùa Đông Bắc.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: