Hà Nội: Chủ động ứng phó với tình huống bất lợi do mưa lũ, úng lụt

Đăng ngày: 12-08-2019 | Lượt xem: 1016
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã, các ban quản lý dự án thành phố chủ động ứng phó, phòng chống mưa lũ, úng lụt đảm bảo an toàn công trình, giảm nhẹ thiên tai.

Theo đó, để chủ động ứng phó với các tình huống bất lợi có thể xảy ra trong trường hợp hồ Hòa Bình xả lũ khi có mưa lớn, lũ, bão trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các chủ đầu tư, các đơn vị thực hiện theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; kiểm tra các trọng điểm xung yếu, chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến của mưa lũ đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân ở những vùng trũng thấp có khả năng ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra.

ha noi chu dong ung pho voi tinh huong bat loi do mua lu ung lut
Ảnh minh hoạ

Tăng cường công tác kiểm tra đê điều, kè, cống, kênh mương, công trình tiêu thoát nước trên địa bàn, sẵn sàng vật tư, phương tiện phòng chống lụt bão theo phựơng châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó với mọi diễn biến của mưa bão để công trình sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có mưa, lũ lớn.

Đối với các công trình xử lý cấp bách trên địa bàn chưa thi công xong và các công trình đang thi công dang dở, các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu tập trung thực hiện ngay các công việc thi công hạng mục vượt lũ. Có phương án đảm bảo an toàn công trình các tuyến đê bao, đê bối, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện máy móc thi công, con người và vật tư phù hợp để phòng chống, như: Sử dụng bạt phủ cho tràn nước chủ động nhằm giảm thiểu thiệt hại khi nước dâng vượt đỉnh đê; bao tải dự trữ, cát, đá... để sẵn sàng hàn khẩu.

Đặc biệt, chú ý tới các công trình có nguy cơ xảy ra tổn thất lớn khi xảy ra sự cố do Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đang tổ chức trien khai thi công, như: Dự án xử lý sự cố mạch đùn mạch sủi tại cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ); Dự án xử lý cấp bách sự cố sạt lở đê hữu Bùi 2 đoạn qua 3 xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến; Dự án xử lý cấp bách nâng cấp đê tả Bùi (đoạn từ trạm bơm Trung Hoàng đến hết tràn Thanh Bình). Đối với các dự án này, phải đôn đốc các đơn vị thi công chuẩn bị ngay lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương án để ứng phó thiên tai đối với công trình đang thi công, cử cán bộ ứng trực tại hiện trường theo dõi sát sao diễn biến tác động xấu đối với công trình do mưa lũ và thông tin kịp thời công tác chuẩn bị chống bão lũ.

Các Chủ đầu tư, ban quản lý dự án tăng cường cán bộ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tại hiện trường, nhất là các vị trí trọng điểm, các vị trí xung yếu phát hiện kịp thời các yếu tố gây bất lợi đến an toàn công trình, như: Xe quá tải trọng đi trên đê, phát hiện kịp thời mạch đùn, mạch sủi, thông tin kịp thời theo quy định để xử lý giờ đầu ngăn chặn diễn biến xấu đối với công trình. Rà soát phương án phòng chống lụt bão, úng các công trình đang thi công, các vị trí trọng điểm, đôn đốc thực hiện theo đúng phương án được duyệt. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi xây dựng công trình để xử lý kịp thời, hiệu quả khi sự cố xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”…

Theo phapluatxahoi.vn

 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: