Hà Nội ban hành Phương án cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai

Đăng ngày: 30-06-2023 | Lượt xem: 1411
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 49/QĐ-BCH về việc ban hành Phương án cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai của TP Hà Nội năm 2023.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, hiện tượng EI Nino có khả năng quay trở lại vào các tháng cuối năm 2023. Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông trong năm 2023 khoảng 11- 13 cơn và tập trung từ tháng 7 đến tháng 10/2023. Trong đó, bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta xấp xỉ 5 – 6 cơn. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm TP Hà Nội) có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 – 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Do vậy, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với công tác cứu trợ đảm bảo đời sống Nhân dân khi có sự cố, thiên tai của TP Hà Nội phải chi tiết, cụ thể, chủ động chuẩn bị sẵn sàng và triển khai đồng bộ từ TP đến cơ sở, không để xảy ra tình trạng lúng túng, bị động khi các tình huống sự cố, thiên tai xảy ra.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã đưa ra 10 tình huống thiên tai:

Tình huống 1: Bão mạnh, siêu bão, mưa lớn ngập úng khu vực ngoại thành.

Tình huống 2: Vỡ đê trọng điểm đê, kè Cổ Đô tương ứng K4+000-K8+600 Hữu Hồng huyện Ba Vì.

Tình huống 3: Vỡ đê Hữu Hồng trọng điểm cống Cẩm Đình tương ứng K1+700 đê Vân Cốc huyện Phúc Thọ.

Tình huống 4: Vỡ trọng điểm Cống Liên Mạc tương ứng K53+450 đê Hữu Hồng.

Tình huống 5: Vỡ trọng điểm khu vực đê, kè Xuân Canh – Cống Long Tửu, tương ứng K0+000-K2+000 đê Tả Đuống, huyện Đông Anh.

Tình huống 6: Vỡ đê Tả Bùi, Tả Tích, lũ quét rừng ngang huyện Chương Mỹ.

Tình huống 7: Vỡ đê sông Mỹ Hà, huyện Mỹ Đức.

Tình huống số 8: Vỡ đập, hồ thủy Lợi.

Tình huống số 9: Các thảm họa.

Tình huống số 10: Động đất.

Ứng phó ngập, úng, vỡ đê, đập hồ thủy lợi

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã đưa ra giải pháp ứng phó đối với các tình huống ngập, vỡ đê, đập hồ thủy lợi, cho tình huống từ số 1 đến số 8.

Theo đó, Nhân dân dự trữ lương thực, chất đốt, nước sạch, mắm muối, thực phẩm khô và thuốc y tế thông thường cho thời gian 1 tháng.

UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện phương châm 3 sẵn sàng (chủ động phòng tránh; bố trí kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) và “04 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Và, chuẩn bị dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian 7 ngày.

Đồng thời chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác xây dựng kế hoạch sơ tán, giúp đỡ và bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân. Tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức, chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai; rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh phương án cứu trợ và đảm bảo đời sống Nhân dân. Bên cạnh đó là kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa, lương thực, nước uống, thuốc y tế, phương tiện và lực lượng vận chuyển hàng hóa, phân phối hàng, cấp phát hàng, lực lượng cán bộ y tế lưu động; theo dõi nắm chắc diễn biến của thời tiết và mưa, bão, lũ. Các xã, phường, thị trấn thực hiện ứng trực theo sự chỉ đạo của TP; tổ chức các hoạt động cung cấp hàng hóa cứu trợ khẩn cấp tới Nhân dân vùng bị ảnh hưởng.

Giải pháp ứng phó với các tình huống thiên tai

Khi xảy ra các thảm họa, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai thảm họa, tìm kiếm, cứu nạn.

Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã nơi xảy ra thảm họa triển khai công tác cứu trợ và đảm bảo đời sống; thực hiện chế độ cho người bị thiệt hại; thăm hỏi động viên nạn nhân và các lực lượng tham gia hoạt động cứu trợ.

Giải pháp ứng phó với tình huống động đất

Khi xảy ra động đất ở khu vực nội thành, dự kiến các địa điểm sơ tán người dân tại: Vườn Bách Thảo, Công viên Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất, Công viên Nghĩa Đô, Công viên Indira Gandhi, Công viên Tuổi trẻ, Công viên Yên Sở. Khu vực các quận, huyện còn lại sẽ căn cứ vào lựa chọn của địa phương như vườn hoa, sân vận động làm nơi sơ tán dân.

Về dự phòng hàng cứu trợ khẩn cấp: Sở Công Thương thực hiện theo phương án chung. Nhà bạt, vải bạt che mưa… huy động nguồn đã chuẩn bị trong phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của TP.

Bố trí bệnh viện dã chiến, y tế lưu động

Những mặt hàng thiết yếu khác, trong trường hợp khẩn cấp UBND TP sẽ trưng dụng khẩn cấp từ các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hoạt động.

Bố trí lực lượng công an đảm bảo an ninh trật tự và dự kiến các lực lượng tham gia cứu trợ khẩn cấp.

Phương án dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ khẩn cấp

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội giao Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các DN sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn TP đăng ký tham gia chương trình dự trữ hàng hóa cứu trợ khẩn cấp. Thực hiện dự trữ hàng cứu trợ khẩn cấp bao gồm: Mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô, nước uống, nến thắp sáng, thực phẩm chế biến, gạo ăn dự kiến cho khoảng 250.000 người trong thời gian 7 ngày.

Định mức cụ thể: Đồ khô ăn liền 3 gói/người/ngày; nước uống 2 lít/người/ngày; nến thắp sáng 1 cây/người; thực phẩm chế biến 1 hộp hoặc gói/người/ngày; sữa uống (hộp giấy) 1 hộp/người/ngày; gạo ăn 0,3 kg/người/ngày (số lượng khoảng 50.000 người). Tổng số tiền hàng hóa dự trữ phục vụ cứu trợ khẩn cấp là 109.410.000.000 đồng.

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: