Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai

Đăng ngày: 26-03-2019 | Lượt xem: 1043
(TN&MT) - Trước diễn biến bất thường của thiên tai hiện nay, việc thiết lập hệ thống chỉ đạo, chỉ huy ứng phó sự cố thiên tai thống nhất và phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam sẽ giúp huy động và điều phối hiệu quả hơn nguồn lực của các lực lượng liên quan trong quá trình ứng phó khi có sự cố xảy ra. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) tại hội thảo "Tập huấn về hệ thống quản lý ứng phó thiên tai tích hợp", diễn ra tại Hà Nội sáng 26/3.

Hội thảo là hoạt động đầu tiên của Phi dự án “Hỗ trợ đào tạo, tăng cường năng lực chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai tại Việt Nam”, nhằm cung cấp tổng quan về Hệ thống chỉ huy khi có sự cố (ICS) của Hoa Kỳ, tăng cường năng lực cho học viên về điều phối liên ngành và tương tác giữa các Trung tâm điều hành, quá trình lập kế hoạch, quy trình quản lý sự cố áp dụng trong bối cảnh thiên tai của Việt Nam.

anh 1
Chuyên gia đến từ Hoa Kỳ chia sẻ về Hệ thống chỉ huy khi có sự cố (ICS)

Đây là dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Hoa Kỳ - ASEAN trong quản lý thiên tai, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai thực hiện. Hội thảo tập huấn có sự tham dự của đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Cục Kiểm Ngư, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ và Ban Chỉ huy  Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 18 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Kon Tum, Đắc Lắc, Tiền Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng.  

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, hệ thống chỉ đạo, chỉ huy trong phòng chống thiên tai của Việt Nam thông qua Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đứng đầu là Phó Thủ tướng Chính phủ và các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ở các địa phương, đứng đầu là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố là sự phối hợp liên ngành. Ở cấp Trung ương, Tổng cục Phòng chống thiên tai đảm nhiệm vai trò Văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Quang cảnh hội thảo tập huấn
Quang cảnh hội thảo tập huấn

Trải qua thực tiễn, công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam, mô hình trên đã phát huy hiệu quả, đã chỉ đạo kịp thời, chính xác, huy động được sức mạnh của toàn hệ thống, giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản, phục hồi và tái thiết nhanh các khu vực bị thiệt hại do thiên tai. Tuy nhiên, đứng trước diễn biến bất thường của thiên tai hiện nay, để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các trận thiên tai mang tính hủy diệt, tàn phá trên diện rộng, việc thiết lập hệ thống chỉ đạo, chỉ huy ứng phó sự cố thiên tai thống nhất, chặt chẽ, kịp thời, chính xác, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam sẽ giúp huy động và điều phối hiệu quả hơn nguồn lực của các lực lượng liên quan trong quá trình ứng phó khi có sự cố xảy ra. Kinh nghiệm áp dụng ICS và hỗ trợ kĩ thuật cho các quốc gia trong khu vực của Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam từng bước hoàn thiện hệ thống chỉ đạo, chỉ huy ứng phó trước hết với các sự cố về thiên tai và tìm kiếm cứu hạn, tiến tới chủ động ứng phó với các sự cố về thảm họa có thể xảy ra trên diện rộng.   

Diễn ra từ ngày 26 - 29/3, hội thảo tập huấn là nơi để các học viên sẽ chia sẻ, thảo luận các nội dung về tổng quan về hệ thống phòng chống thiên tai Việt Nam; hoạt động tăng cường năng lực của Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ, hệ thống điều phối liên ngành (MAC), Trung tâm hoạt động khẩn cấp (EOC), quản lý tất cả sự cố nguy hại một cách tiêu chuẩn tại hiện trường và cấu trúc tổ chức tích hợp được ghép với sự phức tạp và nhu cầu của một hay nhiều sự cố mà không bị cản trở bởi ranh giới thẩm quyền...
Sau khi hoàn thành tập huấn, các học viên sẽ được tăng cường khả năng Mô tả sự điều phối liên ngành và khả năng tương tác giữa các Trung tâm điều hành; giới thiệu Tổng quan về Hệ thống chỉ huy sự cố của Hoa Kỳ; mô tả lợi ích của việc sử dụng các chức năng trong quản lý thảm họa; thảo luận về quy trình lên kế hoạch hiệu quả và các sản phẩm của nó; mô tả quy trình quản lý sự cố; mô tả cách tổ chức thích hợp với một sự cố thảm họa phức tạp tại Việt Nam.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: