Họp ứng phó bão số 3: Có hiện tượng khách du lịch thích ở lại đảo xem bão

Đăng ngày: 01-08-2019 | Lượt xem: 1139
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cảnh báo, gần đây có hiện tượng khách du lịch ra các đảo mà gặp bão là thích ở lại xem bão. Việc này các địa phương cần nhắc nhở và có biện pháp an toàn cho du khách.

Sáng nay (1/8), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với bão số 3 (tên quốc tế Wipha).

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Lúc 7h sáng nay, bão số 3 cách Quảng Ninh - Hải Phòng 350km về phía Đông Nam và có xu hướng di chuyển chậm lại. Ở thời điểm này, bão số 3 có sức gió cấp 9, giật cấp 12 và di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc.

Dự báo từ các trung tâm dự báo quốc tế.

Cũng theo ông Khiêm, dự báo về bão số 3 của các trung tâm dự báo quốc tế có sự khác nhau ở nhận định ban đầu, như dự báo của Hoa Kỳ bão số đi lên phía Bắc bán đảo Lôi Châu và tan trên đất liền Trung Quốc; Hong Kong dự báo bão đạt cấp 9 trên Vịnh Bắc Bộ khi đổ bộ vào đêm 2/8; Nhật Bản dự báo bão số 3 đi vào đất liền Trung Quốc vào đêm 2/8, cường độ bão khi đổ bộ ở cấp 8; còn Trung Quốc sau khi trao đổi hiệp thương thảo luận với CMA cho ra dự báo là sáng 31/8 bão vào Lôi Châu, trưa 2/8 bão sẽ đổ bộ vào Hải Phòng, cường độ mạnh cấp 9-10.

Ông Mai Văn Khiêm thông tin tại cuộc họp.

"Dự báo chính thức của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khoảng chiều đến đêm 2/8 bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, trọng tâm là Quảng Ninh, Hải Phòng với sức gió cấp 7-8, giật cấp 11" - ông Khiêm cho biết.

Về nhận định mưa do ảnh hưởng của bão số 3, ông Khiêm thông tin: Từ ngày 1-2/8, mưa lớn sẽ xảy ra ở phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa; ngày 3-4/8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-300mm, có nơi trên 400mm. Khu vực Hà Nội từ ngày hôm nay đã có mưa, cả đợt này mưa tới 100-200mm.

Cũng theo ông Khiêm, do thời gian mưa kéo dài, lượng mưa lớn nên cảnh báo lũ quét sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; đặc biệt là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An.

Một thông tin được ông Khiêm đưa ra cảnh báo tại cuộc họp là nhận định bão sẽ đổ bộ vào trưa 2/8, đây là lúc thời điểm triều cường dâng cao nên cần đề phòng ngập úng, sạt lở đê biển do sóng lớn kết hợp với triều cường.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ đội Biên Phòng cho biết, sáng nay đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.402 tàu/274.641 người. Hiện nay, còn 20 tàu/120 ngư dân của Quảng Bình (mới xác định được số hiệu 6 tàu) vào tránh trú bão tại đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng đã thông báo, hướng dẫn cho: 505 tàu du lịch, 87 phương tiện chở khách; 1.937 khách du lịch (trong đó có 163 khách nước ngoài tại Hải Phòng); các chủ của 19.723 lồng bè; chòi canh 3.569 (mỗi chòi có 1-2 người).

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, mặc dù hiện này nhiều mô hình dự báo của quốc tế về bão khác nhau, nhưng bão số 3 dự báo sẽ đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng vào trưa 2/8, nhưng vùng ảnh hưởng rộng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu kết luận cuộc họp.

"Bão gây mưa lớn và kéo dài, do đó, các địa phương cần hết sức lưu ý đến vấn đề sạt lở, lũ quét ở các tỉnh miền núi. Tôi lưu ý là sạt lở đất có thể xảy ra ở bất kỳ chỗ nào nên các địa phương nằm trong vùng có mưa lớn do bão số 3 không được chủ quan. Nếu khu vực nào xảy ra sạt trượt các lực lượng cần có biện pháp khắc phục sớm, tránh để giao thông bị chia cắt. Lực lượng vũ trang như công an, quân đội cần chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng và phương tiện để hỗ trợ người dân khi có sự cố do bão số 3 gây ra" - ông Hiệp nói.

Ông Hiệp lưu ý thêm, khu vực bão đổ bộ là nơi có hoạt động trên biển sôi động gần như nhất cả nước, từ hoạt động khai thác thủy sản, du lịch, nuôi trồng thủy hải sản,... nên các địa phương cần thông tin cho các tàu thuyền, người dân nuôi hải sản biết về diễn biến của bão số 3 để có biện pháp tránh, trú, bảo vệ tài sản an toàn. Tại khu vực này, theo ông Hiệp, các khu neo đậu chỉ đáp ứng được khoảng 27% nhu cầu neo đậu của tàu, thuyền nên các đơn vị chức năng cần có biện pháp tổ chức neo đậu cho tàu thuyền một cách an toàn.

"Hoạt động nuôi trồng trên biển, chỗ nào thu hoạch được cần tiến hành hướng dẫn người dân thu hoạch ngay. Khi có bão vào, cần dứt khoát di dời người dân khỏi các chòi canh nuôi trồng thủy hải sản trên biển, tránh trường hợp người dân cố ở lại trông coi tài sản của mình sẽ gặp nguy hiểm, bởi còn người thì còn của" - ông Hiệp nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa được ông Hiệp lưu ý đó là, gần đây có hiện tượng tại các khu du lịch, các đảo khi có bão đổ bộ du khách muốn ở lại xem bão, "trải nghiệm" với bão, điều này là rất nguy hiểm. Do đó, các địa phương cần có biện pháp nhắc nhở du khách và hướng dẫn họ đến khu vực an toàn để tránh trú.

Theo dantri.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: