Không chủ quan, lơ là với thiên tai

Đăng ngày: 22-09-2023 | Lượt xem: 753
BHG - Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 đợt thiên tai, trong đó có 1 đợt hạn hán; 1 đợt rét đậm, rét hại; 8 đợt mưa lớn, dông lốc, sét. Thiên tai làm 4 người chết, trong đó có 2 người ở huyện Hoàng Su Phì do bị sạt lở đất; 2 người chết do sét đánh ở huyện Hoàng Su Phì và huyện Bắc Quang. Mưa lớn cũng đã làm 2 người ở huyện Hoàng Su Phì bị thương do sạt lở đất, 1 người ở huyện Mèo Vạc bị lũ cuốn.

Về tài sản của nhân dân, mưa lớn, dông lốc làm 9 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi hoàn toàn; 16 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp; 14 ngôi nhà có nguy cơ sạt lở cần phải di dời; có 670 ngôi nhà bị hư hỏng phần mái; 167 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất đá và ngập úng. Cùng với đó, trên 450 ha lúa, mạ; trên 5.750 ha ngô, lạc và rau màu; 21 ha cây công nghiệp và ăn quả; 52 ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại; 11,8 ha ruộng bị vùi lấp, xói lở; 25 ha ao cá và 18 chuồng trại chăn nuôi bị hư hỏng; 26 đại gia súc và 818 con gia cầm bị chết.

Mưa lớn, sạt lở đất làm sập nhà khiến 2 vợ chồng anh Lý Văn Thắng và chị Vàng Thị Thưởng, thôn Ngàm Đăng Vài, xã Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì) bị chết.

Mưa lớn, sạt lở đất làm sập nhà khiến 2 vợ chồng anh Lý Văn Thắng và chị Vàng Thị Thưởng, thôn Ngàm Đăng Vài, xã Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì) bị chết.

Thiên tai làm 17 trường học, 11 điểm trường bị hư hỏng; nhiều điểm giao thông bị sạt lở, với khối lượng ước khoảng 59 nghìn m3; 1 cầu cứng, 1 cầu dân sinh, 3 cầu tràn, 4 cống qua đường bị hư hỏng, cuốn trôi và nhiều công trình thủy lợi, cấp nước, cột điện, trạm biến áp bị hư hỏng... Tổng thiệt hại do thiên tai từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ta ước tính gần 100 tỷ đồng.

Đồng chí Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của tỉnh) cho biết: Hà Giang là tỉnh miền núi có đặc thù địa hình phức tạp, với nhiều núi cao, độ dốc lớn, lại bị chia cắt bởi nhiều sông, suối nên các loại hình thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… thường xảy ra nhiều hơn và khi xảy ra thiệt hại cũng nghiêm trọng hơn so với những địa phương khác. Để chủ động phòng, PCTT, Sở Nông nghiệp – PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác PCTT và TKCN năm 2023; Chỉ thị về công tác PCTT và TKCN năm 2023. Các giải pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai. Thường xuyên phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn của tỉnh tiếp nhận và truyền tải các tập tin cảnh báo, tin về ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới và thời tiết nguy hiểm tới các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh để chủ động phòng tránh, ứng phó. Đồng thời, cùng với các cấp, ngành, các địa phương tổ chức lực lượng nòng cốt tham gia phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, với cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất thực hiện chế độ trực và thông tin, báo cáo theo quy định, theo dõi sát các diễn biến thời tiết nên đã kịp thời ứng phó với các tình huống xấu do thiên tai xảy ra, từ đó hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Để chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân do thiên tai gây ra, trong những năm qua, tỉnh ta có nhiều giải pháp phòng tránh, trong đó có giải pháp quan trọng đó là thường xuyên rà soát những vị trí có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn toàn. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách hạn hẹp nên hằng năm, kinh phí dành cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai chưa nhiều.

Đồng chí Lê Anh Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi – Cơ quan Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT cho biết: Hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn trang bị cho lực lượng làm công tác PCTT và TKCN của tỉnh, các huyện, thành phố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với thiên tai chưa cao. Nhiều gia đình vẫn còn chủ quan, chưa có ý thức tự chủ động trong PCTT, nhất là các hộ dân tại các khu vực có nguy cơ thiên tai còn chủ quan. Công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dông lốc, sét, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng... cho người dân và chính quyền các cấp chưa được sâu rộng, dẫn đến một bộ phận người dân còn thiếu kỹ năng ứng phó, phòng ngừa với các tình huống thiên tai xảy ra.

Qua tìm hiểu được biết, hiện ở một số đơn vị cán bộ làm công tác PCTT còn hoạt động kiêm nhiệm, quá tải; các huyện thường xuyên luân chuyển cán bộ phụ trách công tác này nên quá trình theo dõi không được xuyên suốt, nhận thức và tinh thần trách nhiệm của một số thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp và nhân dân đối với công tác PCTT còn hạn chế, đôi lúc còn lơ là, chủ quan.

Đó là những hạn chế cần sớm khắc phục, bởi thiên tai thường xảy ra bất ngờ, khó lường. Trận lũ kinh hoàng tại tỉnh Lào Cai – địa phương có đặc điểm địa lý khá tương đồng với tỉnh ta làm nhiều người chết, bị thương và mất tích, thiệt hại gần 300 tỷ đồng là một cảnh báo “Không thể chủ quan, lơ là với thiên tai”.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202309/khong-chu-quan-lo-la-voi-thien-tai-3ea23fb/

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: