Không chủ quan trước diễn biến phức tạp của lũ đầu nguồn sông Cửu Long

Đăng ngày: 17-09-2019 | Lượt xem: 2400
Hiện tại, lũ đang ở mức thấp so với năm 2018 và trung bình nhiều năm nhưng không được chủ quan, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng của người dân...

Ngày 16/9/2019, tại khu vực bờ sông Hậu thuộc tổ 6, ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang xuất hiện tình trạng sạt lở đất bờ sông Hậu với chiều dài hơn 40 m, ăn sâu vào đất liền 5 m; sạt lở làm mất 1/2 mặt đường nhựa.

Trước diễn biến phức tạp và bất thường của mực nước lũ khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, ngày 17/9, bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cùng đoàn công tác của tỉnh An Giang đã trực tiếp khảo sát và kiểm tra công tác ứng phó với lũ và tình sạt lở đất bờ sông trong và sau lũ trên địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Ông Mai Minh Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Phú cho biết, hiện tại nước lũ đã lên và gây ngập một số vị trí đường giao thông liên ấp trên địa bàn một sô xã như: Vĩnh Hội Đông, Phú Hữu, Vĩnh Lộc... Tuy nhiên, hiện tại mực nước vẫn thấp hơn so với trung bình nhiều năm và nhờ sự chủ động của các địa phương và người dân nên không có thiệt hại về sản xuất lúa vụ ba ngoài đê bao như mọi năm. Bên cạnh đó, 15 tiểu vùng sản xuất Thu Đông với tổng diện tích sản xuất là 7.956 ha trong đê bao đều được đảm bảo an toàn.

Để đảm bảo cho trẻ em đến trường trong mùa lũ năm 2019 được an toàn, huyện An Phú đã lên kế hoạch triển khai 35 điểm giữ trẻ, 12 tuyến đưa rước học sinh, 64 chốt cứu nạn. Hiện nay, tuy mực nước lũ còn ở mức thấp nhưng các địa phương vẫn sẵn sàng các phương án chuẩn bị tổ chức đưa rước học sinh, điểm giữ trẻ và trực các chốt cứu hộ ở nơi xung yếu phòng trường hợp lũ lên cao bất thường.

Theo Chủ tịch UBND huyện An Phú, năm nay, tuy lũ về muộn và hiện ở mức thấp hơn so với năm 2018 và trung bình nhiều năm nhưng tình hình sạt lở đất bờ sông trên địa bàn huyện An Phú lại có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện An Phú đã xảy ra 6 vụ sạt lở đất bờ sông với chiều dài 1.020 m, ăn sâu vào đất liền từ 5 - 10 m, làm ảnh hưởng đến 12 hộ dân cần phải di dời khẩn cấp; hiện nay, đang khắc phục 1 đoạn sạt lở dài 340 m ăn vào đường nông thôn tại xã Vĩnh Trường.

Chủ tịch UBND huyện An Phú kiến nghị tỉnh sớm có khảo sát, đánh giá tổng thể tình hình sạt lở trên địa bàn huyện An Phú, nhất là các khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở như Vĩnh Trường, Đồng Đức để sớm đưa ra các giải pháp khắc phục sạt lở một cách căn cơ, lâu dài, giúp ổn định dân cư trên địa bàn huyện.

Sau khi trực tiếp khảo sát khu vực sạt lở đất bờ sông Hậu đoạn chảy qua xã Vĩnh Trường, cũng như tình hình đời sống của người dân thuộc khu vực ba xã bờ Đông huyện An Phú và các tuyến kênh Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Lộc), cụm tuyến dân cư có nguy cơ ngập sâu dọc theo sông Châu Đốc thuộc địa bàn thị trấn An Phú, xã Vĩnh Hội Đông, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự chủ động của huyện An Phú trong việc tổ chức các phương án ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, mưa lũ và sạt lở đất; đảm bảo đời sống và sản xuất của người dân không bị xáo trộn.

Theo Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân, tình hình mưa lũ và thời tiết năm 2019 diễn biến rất phức tạp và khó dự báo. Đặc biệt, năm nay lũ về trùng với thời điểm có mưa to nên rất khó nhận định, nhất là việc phải lệ thuộc vào việc xả lũ của các đập ở thượng nguồn sông Mekong nên công tác ứng phó với lũ cần chuẩn bị với tinh thần cao nhất.

“Trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay, An Phú nói riêng và tỉnh An Giang nói chung cần chuẩn bị tốt các phương án ứng phó với kịch bản lũ ở mức cao nhất; bên cạnh đó, công tác theo dõi, phối hợp, hiệp đồng hỗ trợ, chỉ huy giữa các lực lượng ứng trực cần phải chặt chẽ, cụ thể và luôn trong tâm thế sẵn sàng” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, hiện tại lũ đang ở mức thấp so với năm 2018 và trung bình nhiều năm nhưng không được chủ quan; phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng của người dân và phòng chống đuối nước trong mùa lũ, nhất là đối với trẻ em và học sinh. Song song đó, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán của người dân, để người dân có “sức đề kháng với thiên tai và biến đổi khí hậu”, biết tự bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình mình, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Về lâu dài, huyện An Phú phối hợp với tỉnh An Giang tiến hành nghiên cứu, khảo sát một cách tổng thể về tình hình, diễn biến sạt lở trên địa bàn cũng như bố trí, sắp xếp lại các khu dân cư ở vùng có nguy cơ sạt lở để từ đó đưa ra được các giải pháp khắc phục sạt lở một cách căn cơ lâu dài, nhằm ổn định chổ ở, sinh kế cho người dân.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, đỉnh lũ cao nhất khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức báo động I (báo động I tại Tân Châu: 3,50m, Châu Đốc: 3,00m). Dự báo đến ngày 20/9/2019, mực nước có giảm hơn so với ngày 15/9, cụ thể trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức 3,48m (dưới báo động I 0,02m); trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 2,83m (dưới báo động I 0,17m). Tuy nhiên, đỉnh lũ sẽ có khả năng đạt vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, do kết hợp triều cường với lượng mưa đang gia tăng; tuy nhiên chỉ ở mức dưới báo động I từ 0,1m đến 0,2m, dó đó, đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật các bản tin khí tượng thủ văn và diễn biến lũ, tình hình thời tiết nguy hiểm để tuyên truyền cho người dân biết chủ động phòng tránh.

Theo TTXVN 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: